Ngày 17/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) ban hành Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.
Bộ TT&TT giao Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) soạn thảo Chương trình hợp tác quản lý một số vấn đề trên không gian mạng như điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật.
Cụ thể, quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục dự kiến hoàn thành vào tháng 10.
Làm mạnh tay
Chia sẻ với Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng chế tài xử phạt những nghệ sỹ, KOLs vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Anh Ngọc Long cho biết những chế tài này vô cùng cần thiết, càng làm sớm càng tốt. Anh cũng đề xuất các mức phạt khác nhau cho từng vi phạm.
“Mức phạt bao gồm lao động công ích, công bố vi phạm công khai trên các phương tiện truyền thông, đề nghị các nền tảng lớn như Facebook, Google, TikTok phối hợp tháo gỡ các bài đăng của người vi phạm cũng như ngăn chặn việc họ tạo tài khoản mới. Chế tài bổ sung cũng nên duy trì việc đề nghị tất cả nhãn hàng không tiếp tục hợp tác quảng bá với những trường hợp vi phạm”, anh Nguyễn Ngọc Long nêu quan điểm.
Việc quyết định cấm sóng bất kỳ cá nhân nào còn phụ thuộc vào trường hợp vi phạm cụ thể. Quy định nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động phát sóng, biểu diễn, quảng cáo... góp phần ngăn chặn những hành vi độc hại, những hình tượng độc hại.
Trước đây, khán giả ít để tâm và có tâm lý cho qua. Hiện nay, họ có động thái quyết liệt với nghệ sĩ vướng scandal. Các hội nhóm anti, phản đối thói hư tật xấu của nghệ sĩ là ví dụ. Công chúng có cách tẩy chay ngày một văn minh" chuyên gia truyền thông Ngô Bá Lục.
Nhà báo, chuyên gia truyền thông Ngô Bá Lục khẳng định quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sắp được ban hành sẽ là công cụ quản lý cho những hành vi thiếu chuẩn mực của nghệ sĩ.
Chia sẻ với Tiền Phong, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng những hình thức xử lý với nghệ sĩ “lệch chuẩn” là phù hợp, đủ tính nghiêm khắc. “Cấm sóng, cấm diễn trong một khoảng thời gian là điều nên làm. Quy định không nên đẩy nghệ sĩ vào đường cùng, nhưng cần làm thật mạnh tay, thật nghiêm”, nhà báo Ngô Bá Lục bày tỏ.
Tăng mức xử phạt theo cấp độ
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng việc cấm sóng nghệ sĩ cần dựa theo mức độ vi phạm của từng cá nhân.
"Vi phạm lần đầu được coi không biết, vô tình, mức độ nghiêm trọng sẽ khác với việc nhiều lần vi phạm, cố ý vi phạm. Lần thứ hai vi phạm phải tăng mức phạt lên. Đến lần thứ ba cần nhân lên gấp nhiều lần và quan trọng nhất vẫn là cấm người vi phạm xuất hiện ở trong các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy mới đủ sức răn đe", NSND Lê Tiến Thọ nêu.
Bên cạnh đó, vai trò của công chúng đối với ứng xử của nghệ sĩ rất quan trọng. Chuyên gia truyền thông Ngô Bá Lục nhận định khán giả Việt thời gian gần đây ngày càng thể hiện rõ vai trò định vị nghệ sĩ.
“Trước đây, khán giả ít để tâm và có tâm lý cho qua. Hiện nay, họ có động thái rất quyết liệt với nghệ sĩ vướng scandal. Các hội nhóm anti, phản đối thói hư tật xấu của nghệ sĩ là ví dụ. Công chúng có cách tẩy chay ngày một văn minh”, anh bày tỏ.
Khi nghệ sĩ đứng giữa những quy định chặt chẽ của pháp luật và cả quyền lực của khán giả, giới giải trí mới đi vào đúng quỹ đạo. Đây là yếu tố làm nên môi trường nghệ thuật thực sự lành mạnh, giúp khán giả tiếp cận những tác phẩm hay và nghệ sĩ lao động nghệ thuật chân chính được tôn trọng.
Nghệ sĩ tự xây dựng chuẩn mực
Theo nhà báo Ngô Bá Lục, nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới quá trình hình thành nhân cách của khán giả trẻ. Vì vậy, cần quy định xử lý nghiêm để uốn nắn, giúp nghệ sĩ nhận ra sức ảnh hưởng cũng như trách nhiệm của mình.
Trước đó, NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong rằng nghệ sĩ luôn là tâm điểm của công chúng, là tấm gương của không ít người hâm mộ vậy nên nghệ sĩ cần quản lý hình ảnh một cách nghiêm khắc.
Bởi vì chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng. Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhận định một số nghệ sĩ tùy tiện lợi dụng hình ảnh, sự nổi tiếng và có những ứng xử chưa phù hợp.
Tại Hội thảo về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng diễn ra tháng 2, nghệ sĩ Ngọc Dương (Nhà hát Chèo Việt Nam) cho rằng ngoài những điều luật do Nhà nước quy định về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nghệ sĩ có cũng cần phải có những chuẩn mực riêng.
“Nếu chỉ làm theo những điều luật về văn hóa ứng của nghệ sĩ với công chúng mới dừng lại ở phần trách nhiệm. Còn lương tâm và lòng tự trọng của nghệ sĩ lại là vấn đề khác. Nghệ sĩ được ví là người của công chúng, từng lời ăn tiếng nói phải hết sức cẩn trọng. Nghệ sĩ gìn giữ hình ảnh không chỉ cho bản thân mà nói rộng ra còn là hình ảnh đại diện cho nền văn hóa của một dân tộc”, nghệ sĩ Ngọc Dương nhận định.
Nghệ sĩ Ngọc Dương chua xót khi một số nghệ sĩ mang cả tinh hoa của một nền văn hóa để phục vụ mục đích cá nhân, tự làm nổi bật mình bằng những hình ảnh phản cảm.
Khán giả, công chúng cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc ban hành quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. "Ủng hộ, nên làm từ lâu rồi mới phải, cần thanh lọc", "Ủng hộ làm trong sạch showbiz", "Phải làm từ lâu rồi mới đúng", "Cấm luôn mấy người ngáo quyền lực"... là rất nhiều bình luận của khán giả trên các kênh thông tin.
Theo Gia Linh - Ngọc Ánh (Tiền Phong)