Bộ TT&TT vừa ra quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động, cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, quản lý người nổi tiếng trên mạng là 1 trong 19 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trước đó, tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử và định hướng nhiệm vụ năm 2022, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết Bộ TT&TT đã chủ động đề xuất phối hợp với Bộ VHTT&DL để xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên các đài PTTH và môi trường mạng.
Quy trình xử lý, cụ thể là sẽ hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo với các nghệ sĩ, KOL có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 10 năm nay.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) cho biết Cục đang phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng quy trình xử lý theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên các đài PTTH và môi trường mạng.
"Chúng tôi đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, sau đó sẽ tổng hợp, tiếp thu và thống nhất với các bộ, ngành phối hợp để từ đó hạn chế tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”, ông Dương nói.
Nghệ sĩ ủng hộ chấn chỉnh hành vi, lối sống của giới văn nghệ
Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Trần Ngọc Giàu cho biết trước đó Bộ VHTT&DL ban hành dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Văn bản này dựa trên tinh thần kêu gọi ý thức từ nghệ sĩ là chính, không có chế tài xử phạt. Điều này dẫn đến thiếu tính răn đe trong quá trình áp dụng.
Do đó, theo ông, "việc Bộ TT&TT hướng tới biện pháp xử lý rõ ràng, cụ thể như hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh là kịp thời và cần thiết".
Ông cho rằng đã đến lúc những cá nhân, tập thể hoạt động trong showbiz cần có ý thức, trách nhiệm hơn với công việc của mình.
“Một nghệ sĩ, dù nổi tiếng đến đâu vẫn là một công dân. Họ cần làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình như bao người khác. Nhưng là người nổi tiếng, họ còn phải sống đúng, sống đẹp với chính những gì được thụ hưởng từ nghề nghiệp, xã hội. Khán giả không chỉ xem sự lao động nghề mà còn quan sát cả đời tư nghệ sĩ”, NSND Trần Ngọc Giàu nêu quan điểm.
Cũng theo ông Giàu, quy định mới là hành lang pháp lý để các nghệ sĩ trẻ cẩn trọng với lối sống, ứng xử, các mối quan hệ xã hội… đồng thời góp phần thanh lọc những cá nhân tiêu cực ra khỏi đời sống văn hóa - nghệ thuật.
“Ở khía cạnh nghệ sĩ, tôi thấy khá buồn. Hiện tượng nhiều cá nhân vi phạm thời gian qua ở cả khía cạnh pháp luật và đạo đức cho thấy công chúng đang mất dần niềm tin với một bộ phận người nổi tiếng. Khi áp dụng luật pháp cũng đồng nghĩa ý thức của nghệ sĩ hiện nay không cao", ông nói.
Ở vai trò quản lý, ông Trần Ngọc Giàu cho rằng quy định mới cần cụ thể hóa và áp dụng rộng rãi khi ban hành, dựa trên tinh thần nhân văn, phù hợp và không gò bó; qua đó giúp nghệ sĩ có thể nhận ra sai sót, phản tỉnh bản thân nhưng không kìm hãm tính sáng tạo và cảm xúc nghệ thuật của họ.
NSND Kim Cương luôn đau đáu việc chấn chỉnh hành vi, lối sống của nghệ sĩ đương thời.
Từ khi giải nghệ cách đây hơn 20 năm đến nay, Kim Cương tập trung vào hoạt động xã hội, đồng thời là diễn giả uy tín tại nhiều chương trình, talkshow văn hóa - nghệ thuật.
Chương trình nào, đặc biệt là các buổi trò chuyện với diễn viên trẻ, sinh viên trường sân khấu, bà cũng dành thời lượng nói về vai trò và sứ mệnh người nghệ sĩ đối với lĩnh vực văn hóa.
Theo bà, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. "Bác sĩ tồi có thể làm chết một người. Thầy giáo tồi có thể dạy hư hàng trăm học sinh. Nhưng nghệ sĩ tồi sẽ làm hư cả một thế hệ", bà nói.
Là con gái của NSND Bảy Nam, bà chứng kiến rõ nhất mẹ mình, nghệ sĩ Năm Phỉ, NSND Năm Châu, NSND Phùng Há... đã đi tiên phong trong nghề vào thập niên 1930, đổ máu và nước mắt để đưa nghệ sĩ từ "xướng ca vô loài" thành nghề được xã hội tôn trọng.
Vì vậy, NSND Kim Cương rất buồn, giận khi một số nghệ sĩ ngày nay tận hưởng thành quả đó lại sống không đúng chuẩn mực đạo đức, khiến nghề này mang điều tiếng.
Bà kể có lần vận động quyên góp từ thiện làm chương trình Nghệ sĩ tri âm, một doanh nhân nói thẳng với bà: "Chị có vận động tiền mổ mắt, mổ tim thì em góp. Chứ em không góp tiền cho nghệ sĩ ăn chơi, đánh bạc, đánh đề".
Bà luôn đau đáu, gặp ai cũng đem chuyện này ra nói, mong tìm được giải pháp chấn chỉnh hành vi, lối sống của nghệ sĩ ngày nay.
"Tôi rất buồn, như chuyện nghệ sĩ lên sóng truyền hình tấu hài tục tĩu. Lần nào gặp các anh quản lý, tôi cũng kêu. Nghệ sĩ ngoài giỏi chuyên môn, dùng tài năng làm đẹp cho đời cũng cần lưu ý lối sống nề nếp, tử tế.
Bạn làm gì, dù nổi tiếng hay chưa, hãy nhớ mình mang danh nghệ sĩ", Kim Cương nói.
Theo Gia Bảo - Tuấn Chiêu - Tình Lê (VietNamNet)