Trần Lê Quỳnh từng làm say đắm khán giả nhờ những bản tình ca đậm chất thơ như Chân tình, Tuyết rơi mùa hè, Cô gái đến từ hôm qua... Anh tự nhận mình chỉ là nhạc sĩ nghiệp dư, đến với âm nhạc vì đam mê nhưng lại coi đó là một phần sống, tâm hồn.
Không thể viết nhạc khi cuộc sống ở Anh gặp khó khăn
- Làm công việc không liên quan đến âm nhạc, lại sống nhiều năm ở nước ngoài, điều này ảnh hưởng đến việc sáng tác nhạc của anh thế nào?
- Tôi sang Anh học năm 2001, 2002 thì tốt nghiệp và đi làm. Qua Anh, tôi chỉ có một mình, sau đó lấy vợ và có con. Cuộc sống ở nơi đất khách quê người tất nhiên là khó khăn. Đó là lý do có một quãng thời gian tôi ít sáng tác.
Lúc đó, công việc hàng ngày vất vả, chuyện lương bổng rồi lo chuyện nhà cửa làm tôi đau đầu. Vì thế cảm hứng sáng tác cũng giảm bớt đi. Sau bài Trăng dưới chân mình mà Thu Phương và Hương Tràm hát thì tôi hầu như không sáng tác.
Tôi có thử cầm bút nhưng cảm thấy thực sự khó viết, những giai điệu vang lên nhưng khô khan, vô cảm. Tôi ngồi chơi đàn mà không thoát ra được khỏi gánh nặng của thực tại. Tôi buồn lắm, không thể chia sẻ cảm xúc đó với bất cứ ai.
- Anh làm thế nào để giải tỏa bế tắc, lấy lại cảm hứng sáng tác?
- Tôi may mắn khi có vợ là chỗ dựa cho mình trong cuộc sống. Dựa ở đây là tạo điều kiện về thời gian cho tôi mà không xen vào việc sáng tác của chồng. Ví dụ khi tôi nói muốn viết bài thì cô ấy sẽ cho con đi ngủ sớm, để tôi có khoảng thời gian riêng. Ngược lại, vợ cũng đòi hỏi tôi phải có trách nhiệm trong gia đình.
Vài năm nay, cuộc sống, mọi thứ nhẹ nhàng hơn thì cảm hứng trong âm nhạc tự nhiên trở lại. Tôi biết ơn điều đó vì có được cảm xúc là không dễ dàng.
- Khi trở lại, những sáng tác của anh trong album '36' lại không hoàn toàn nói về tình yêu mà là tình cảm gia đình hoặc vấn đề xã hội. Vì sao anh thay đổi trong khi anh vốn được khán giả yêu thích nhờ những bản tình ca?
- Trước đây, các ca khúc như Chân tình, Cô gái đến từ hôm qua… là cảm xúc của chàng trai trẻ nhưng suy nghĩ như ông già về tình yêu. Còn bây tôi quan tâm đến những đề tài thời sự hơn, rộng hơn.
Ví dụ, ca khúc Hoa hồng vàng tôi viết sau khi đọc bài báo về các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan. Mặt trời của cha là bài hát tặng con trai. Ca khúc Mẹ ơi lại là sự hối hận khi của đứa con ở xa mẹ nhưng vô tâm, ít quan tâm đến mẹ.
Với người khác sự thay đổi đó có thể không phải là điều gì to tát nhưng với tôi đó là bước ngoặt của cuộc đời.
Khán giả từng yêu thích Cô gái đến từ hôm qua, Tuyết rơi mùa hè... nhưng nếu nhìn ở mặt bút pháp thì chưa hẳn là ca khúc hay. Đối với tôi những ca khúc ấy đã đem tới những mối duyên khác.
Vì những bài ấy mà người ta không biết Trần Lê Quỳnh tốt xấu thế nào mà vẫn coi như một người bạn. Tôi trân trọng những kỷ niệm đẹp đó nhưng muốn có sự thay đổi, tiếp thu những cái mới.
Đức Tuấn hát điệu nhưng tin tưởng làm tốt nhất bài hát của tôi
- Sự thay đổi về đề tài và bút pháp đó phần nào anh muốn chứng tỏ mình hàn lâm hơn xưa?
- Tôi không xem mình là người làm nhạc hàn lâm hay cần chứng tỏ mình học rộng. Tôi chỉ là nhạc sĩ nghiệp dư, theo đuổi âm nhạc vì đam mê lớn. Thể loại nhạc tôi theo đuổi là pop, hướng đến số đông.
Những ca khúc trong album 36 của Đức Tuấn có thể không dễ nghe với đa số khán giả nhưng với tôi đó là sự thay đổi cần thiết. Tôi cố gắng làm mới nhạc của mình nhưng không quá đà đến mức khán giả không nhận ra Trần Lê Quỳnh.
- Trong khi âm nhạc của anh chân chất, tình cảm, cách hát của Đức Tuấn bị nhận xét điệu đà quá. Khác biệt như vậy nhưng vì sao anh vẫn 2 lần hợp tác với Đức Tuấn làm album?
- Tôi và Tuấn có tình đồng môn. Chuyện đồng môn, đồng hương dường như có sự gắn kết với nhau rất vô hình. Hơn nữa trong album Trẻ mãi, Tuấn thực hiện chỉn chu khiến tôi rất thích. Giờ nghe lại album đó, tôi vẫn thấy tự hào.
Thực tế ca khúc chỉ là một phần, còn công lao của người hòa âm, ca sĩ mới hoàn thiện. Ban đầu, tôi đưa bài cho Tuần cũng hơi run chứ. Tôi dặn Tuấn hát tiết chế hơn. Nhưng dặn là thế thôi, khi sáng tạo thế nào cũng vẫn là ở Đức Tuấn.
- Thực lòng, anh có thích cách hát của Đức Tuấn so với các ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc của mình?
- Tôi nghĩ mỗi người ca sĩ sẽ có màu sắc riêng. Tôi được nghe một ca sĩ hát bài của mình chỉn chu, cẩn thận thì rất vui. Trong album Trẻ mãi, nhiều ca sĩ hát rồi nhưng Tuấn hát lại cũng chất riêng. Tôi tin Đức Tuấn là người thể hiện tốt hơn những bài hát của mình.
Album của Mỹ Tâm không mới như album của Hồng Nhung
- Sống ở nước ngoài, khi nhìn về đời sống âm nhạc trong nước, anh cảm nhận gì?
- Tôi nghe hầu hết ca khúc nổi tiếng như Em gái mưa, Người lạ ơi… Các bạn trẻ rất giỏi vì số lượt người nghe, xem tới hàng trăm triệu như vậy không làm giả được đâu.
Với Em gái mưa, phần phim ngắn đã góp phần làm nên thành công của MV và giai điệu cũng thật sự bắt tai. Người lạ ơi thì phần lời và gia điệu bình thường. Tôi nghĩ bài hát được chú ý nhiều nhờ tựa đề. Ai cũng có thể sử dụng cụm từ này nên dễ tạo được sự đồng cảm với khán giả.
Trong các ca sĩ trẻ tôi thích Sơn Tùng M-TP vì cậu ấy có phong cách, vừa sáng tác, hát và sản xuất được, rất đáng nể. Ngoài ra, tôi thấy Soobin Hoàng Sơn, Phan Mạnh Quỳnh, Vũ Cát Tường cũng hay.
- Không chỉ có ca sĩ trẻ, cuối năm qua, Mỹ Tâm cũng gây bất ngờ khi ra mắt album Tâm 9. Album này có đúng như kỳ vọng của anh về ngôi sao hàng đầu V-pop?
- Nhắc đến Mỹ Tâm, khán giả sẽ nhớ tới những ca khúc dễ nghe, dễ nhớ nên tôi cũng không kỳ vọng nhiều. Công bằng mà nói những bài hát trong đĩa Tâm 9 không mới như Phố à, phố ơi của chị Hồng Nhung, kể cả bài Người hãy quên em đi, cũng là viết theo thể loại La tinh truyền thống.
Những ca khúc trong đĩa Tâm 9 bắt tai, dễ nghe, dễ nhớ. Album này còn là sự chứng mình sức hút suốt 20 năm không thay đổi của Mỹ Tâm. Một album mà còn thể hiện được cả lượng người yêu thích của Mỹ Tâm.
- Ca sĩ Ngọc Anh từng chia sẻ không biết đến các ca sĩ trẻ có hit 100 triệu lượt người xem và cho rằng nhạc Việt lộn xộn như cái chợ. Quan điểm của anh thế nào?
- Âm nhạc và sở thích về âm nhạc liên quan đến độ tuổi. Tôi có anh bạn làm chương trình cho các bạn trẻ nhưng lại chỉ thích nghe Bolero. Về các ca sĩ trẻ và những bản hit đình đám hiện nay thì không thể phủ nhận cái hay của họ.
Tôi cho rằng phần lời trong các bản hit hiện nay chỉ ở mức bình thường, nhạt nhưng giai điệu thì bắt tai và bắt kịp xu hướng thế giới. Tôi vẫn nghe và học được từ các bạn ấy.
- Anh lý giải thế nào về hạn chế trong phần lời của các ca khúc nhạc Việt hiện nay?
- Nhạc Việt thường chỉ có 1 người sáng tác, viết cả lời và giai điệu, rất ít có sự hợp tác. Cùng lắm là nhạc sĩ phổ thơ nhưng cũng chính nhạc sĩ đó là người làm chứ không có ai chỉnh sửa lời cho họ. Viết cả lời và giai điệu hay là gánh nặng cho nhạc sĩ trẻ - những người thiếu sự từng trải.
Và điều này đi ngược xu hướng âm nhạc thế giới. Các bạn thấy danh sách nhiều người sáng tác ca khúc Âu Mỹ hoặc Hàn Quốc rất dài. Một bài hát mỗi người góp một chút, khó ghi lại dấu ấn cá nhân nhưng trí tuệ của tập thể chắc chắn sẽ hơn một cái đầu.
Theo Bích Hằng (Tri Thức Trực Tuyến)