"Các bạn trẻ cứ tuyên ngôn, nói gì cũng được, chẳng ai cấm. Nhưng có làm được như lời nói hay không lại là chuyện khác", nữ nhạc sĩ nêu quan điểm.
Gần đây, dư luận quan tâm đến phát ngôn của hai gương mặt nhạc sĩ trẻ là Only C và Phan Mạnh Quỳnh. Only C cho rằng anh "có những ca khúc đẳng cấp thế giới", trong khi Phan Mạnh Quỳnh tham vọng "Tôi muốn trở thành tượng đài của Vpop".
Phát ngôn tự tin của hai gương mặt trẻ gây chú ý với giới trong nghề và công chúng. Không ít ý kiến cho rằng tuyên bố của Only C chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi, còn Phan Mạnh Quỳnh thì "không biết lượng sức mình".
Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Giáng Son để thấy sự khác biệt trong cách tuyên ngôn về nghệ thuật của thế hệ nhạc sĩ đi trước so với những gương mặt trẻ singer/songwriter hiện nay.
Nhạc sĩ Giáng Son đánh giá cao những nhạc sĩ trẻ như Phạm Toàn Thắng, Khắc Hưng. Tuy vậy, chị thất vọng khi các nhạc sĩ này có những ca khúc như Nắng cực, Như cái lò. |
'Tôi thích Phạm Toàn Thắng, Tiên Tiên'
- Giáng Son của đời thường với công việc giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội hay viết nhạc cho sân khấu kịch khác gì với Giáng Son trên ghế nóng truyền hình thực tế?
- Tôi không thấy có gì thay đổi vì tôi luôn luôn là mình dù ngồi ở bất cứ vị trí nào. Đối với truyền hình thực tế, mọi người cứ nghĩ hơi quá, thực ra cũng giống như công việc của tôi hàng ngày, cũng tìm ra những người có khả năng và giúp các em hoàn thiện hơn.
Khác chăng, là khi ngồi truyền hình thực tế, mình phải biết vui vẻ, hòa đồng với các giám khảo khác, còn khi giảng dạy ở trường, nói thế nào nhỉ, tôi chỉn chu và nghiêm túc hơn. Nhưng đó chỉ là chút ít khác biệt, còn quan trọng vẫn phải là tiếp thêm đam mê âm nhạc cho những gương mặt trẻ.
- Không khó để nhận ra sự đa dạng trong công việc của chị, từ biểu diễn sau chuyển sang sáng tác, giảng dạy. Gần đây chị lại làm giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc, từ Sing My Song đến Sao Mai. Hẳn chị có thể nhận định về bộ mặt của nhạc Việt hiện tại?
- Tôi nghĩ khó. Nếu là bộ mặt nhạc Việt trên truyền thông, không khó nhận ra đó là sự tràn ngập nhạc của các bạn trẻ. Tất nhiên, có những bạn có ca khúc hay, chất lượng về mặt nghệ thuật nhưng cũng có cả dòng nhạc mà theo tôi là quá thị trường. Nhìn về bề nổi truyền thông thì dường như là như vậy.
Nhưng nếu quan sát kỹ thì đó đúng chỉ là bề nổi vì còn nhiều dòng nhạc khác, đan xen phát triển dù không ồn ào như âm nhạc chính thống, cổ điển, bán cổ điển. Đêm nhạc của những nghệ sĩ đơn độc, mang tính thể nghiệm có thể không ào ạt nhưng vẫn có chỗ đứng, với đối tượng khán giả bác học rất riêng.
- Theo đánh giá của báo chí, sau thế hệ của Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Đức Trí, Giáng Son… gần đây nhạc Việt đã có một thế hệ nhạc sĩ mới như Phạm Toàn Thắng, Khắc Hưng, Tiên Tiên, Tiên Cookie. Chị có đồng tình với nhận định này?
- Tôi rất thích Phạm Toàn Thắng, bạn ấy có những ca khúc nghe rất thích. Tiên Tiên cũng là một tác giả có nhiều bài hay. Khắc Hưng cũng có một vài bài tốt, người ta còn gọi cậu ấy “cỗ máy tạo hit”. Nhìn chung thì âm nhạc của các bạn trẻ trung và quả thực đã mang một làn gió mới tới nhạc Việt.
Nhiều sáng tác của các bạn trẻ rất bắt tai, tôi nghe cũng còn muốn nhún nhảy, yêu đời hơn. Các bạn ấy trẻ trung, hiện đại và rất chịu khó cập nhật những xu hướng âm nhạc trên thế giới.
- Nhưng là người đi trước chị lý giải sao về việc Phạm Toàn Thắng, Khắc Hưng - bên cạnh những ca khúc được đánh giá cao, được kỳ vọng lại có những ca khúc đầy tranh cãi, thậm chí bị cho là phản cảm như “Nắng cực”, “Như cái lò”?
- Lý giải điều này hơi khó nhưng theo tôi đôi khi các bạn trẻ nghịch ngợm giữa thời buổi truyền thông bùng nổ như hiện nay. Các bạn ấy tinh quái nên thích trêu đùa bằng những ca khúc như vậy.
Tất nhiên, đừng nói là các bạn ấy không biết ca khúc ấy dễ gây hiểu lầm như thế nào, ai cũng biết thì các bạn ấy cũng sẽ biết. Nhưng các bạn ấy cứ sáng tác và có thể là cố tình muốn tạo hiệu ứng, đôi khi là để được truyền thông nhắc đến.
Nhưng đối với chúng tôi – những người đã có những đánh giá nghiêm túc về các bạn – những ca khúc đó khiến chúng tôi có đôi phần thất vọng. Chúng tôi luôn muốn các bạn trẻ có những ca khúc trẻ trung, hiện đại nhưng cũng phải thật và đẹp, cả về giai điệu lẫn ca từ.
Ca khúc của mỗi người nói lên định hướng âm nhạc của người ấy, thậm chí nó còn ảnh hưởng đến một thế hệ khán giả. Thế nên, tôi rất ngạc nhiên với những ca khúc kiểu như Nắng cực hay Như cái lò. Người trẻ mà, đôi khi cứ muốn scandal, chúng tôi hơi thất vọng.
Tác giả Hà Nội 12 mùa hoa cho rằng thế hệ của chị làm nhiều hơn nói trong khi nhạc sĩ trẻ hiện nay dám làm nhưng cũng dám cả nói. |
'Nhiều tuyên ngôn chỉ là cách để gây chú ý'
- Thế còn phát ngôn của một nhạc sĩ trẻ kiểu như “Tôi có những ca khúc mang đẳng cấp thế giới” hay “Tôi muốn trở thành tượng đài của nhạc Việt”. Là người đi trước, chị có bình luận gì?
- Các bạn trẻ hiện tay, nói thật là rất dám làm và cũng rất dám nói. Các bạn tuyên ngôn, tất nhiên, chẳng ai cấm, nói gì cũng được. Nhưng có làm được như lời nói hay không lại là chuyện khác. Những tuyên ngôn đó chỉ là một cách để gây chú ý, ồn ào.
Thế hệ chúng tôi thì làm nhiều hơn nói vì muốn chứng minh bằng tác phẩm. Còn sự đánh giá đã có những nhà phê bình âm nhạc, nhà báo âm nhạc. Những đánh giá của người có chuyên môn và công chúng mới quyết định bạn có thể trở thành huyền thoại hay không.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay, nổi tiếng nhanh nhưng thiếu phông nền văn hóa để ứng xử với sự nổi tiếng của mình. Nhiều bạn thường xù lông để bào chữa cho khuyết điểm của mình nhưng lại chưa đủ chín chắn dày dặn để thuyết phục được số đông. Thế hệ của chúng tôi thì chín chắn hơn.
- Theo chị, một nhạc sĩ như thế nào mới có thể được coi là một tượng đài nhạc Việt?
- Phải có tác phẩm chinh phục được mọi tầng lớp khán giả, cả trí thức lẫn bình dân. Giai điệu giản dị, thậm chí có thể đơn giản vì đỉnh cao của kỹ thuật là sự đơn giản.
Nhưng lời ca phải sâu sắc, ai nhìn vào cũng thấy mình trong đó. Đặc biệt, ca khúc đó phải đại diện cho màu sắc của một đất nước. Và không chỉ một ca khúc mà phải là một chuỗi ca khúc thì mới làm nổi bật được cá tính của người nhạc sĩ đó.
Tất nhiên, với những nhạc sĩ như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ sau. Nhạc Việt có những nhạc sĩ được gọi là tượng đài như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, sau nữa là Trần Tiến, Nguyễn Cường. Tác phẩm của họ vẫn được hát hàng ngày, thường xuyên, thế mới gọi là tượng đài được.
Theo Lê Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)