Bộ phim Thông gia ngõ hẹp lên sóng ngày 16/9 đang nhận được sự quan tâm của khán giả với kịch bản nhẹ nhàng cùng dàn diễn viên gồm nghệ sĩ lão niên Tuyết Liên, NSND Trọng Trinh, NSND Ngọc Thư, NSƯT Chí Trung, NSƯT Linh Huệ…
Bộ phim lấy trọng tâm là mối quan hệ giữa hai ông thông gia do NSND Trọng Trinh và NSƯT Chí Trung thủ vai, hứa hẹn mang tới nhiều tình tiết hài hước, vui vẻ. Sau khi tập một lên sóng đã nhận được những phản hồi khá tích cực từ người xem.
Tuy nhiên, không ít khán giả bày tỏ lo ngại bộ phim đi vào lối mòn “đầu voi đuôi chuột” của phim Việt cũng như kéo dài thời lượng để thu lợi nhuận quảng cáo.
Dị ứng vì phim dài nhưng dở
Trong những năm gần đây, phim Việt dần chiếm tình cảm của khán giả với nhiều dự án hấp dẫn như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái, Hướng dương ngược nắng, Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về, 11 tháng 5 ngày, Mùa hoa tìm lại…
Tuy nhiên, phần lớn trong số này được đánh giá có phần mở đầu hay, kịch tính nhưng càng về sau càng dài dòng, lan man với nhiều tình tiết vô lý và cái kết nhạt nhòa.
Điển hình bộ phim Hương vị tình thân của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Đây là dự án được Việt hóa từ tác phẩm My only one của Hàn Quốc. Ban đầu, bộ phim dự kiến phát sóng 120 tập nhưng cuối cùng kết thúc ở tập 136.
Hương vị tình thân lập kỷ lục rating “khủng” trong suốt nửa năm phát sóng nhưng đây cũng là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất về nội dung, tình tiết phim và diễn xuất của các diễn viên.
Nếu phần 1 lôi cuốn, logic, hấp dẫn thì ở phần 2, nội dung lại dàn trải, kéo dài gây nhàm chán cho khán giả. Chuyện tình cảm của cặp đôi Phương Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường) dài dòng, tưởng chừng không có hồi kết.
Bộ phim Cây táo nở hoa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù kéo dài hơn 20 tập so với dự kiến, bộ phim lại gây thất vọng vì tình tiết về sau lê thê và kết phim chóng vánh, hời hợt tới mức khó hiểu.
Hay dự án phim thu hút nhất thời điểm gần đây, Thương ngày nắng về cũng không tránh khỏi lan man, sa đà vào việc xây dựng câu chuyện, nhân vật nhằm kéo dài thời lượng. Bước sang phần 2, bộ phim chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn gia đình Khánh - cô con gái cả của bà Nga (NSƯT Thanh Quý).
Khánh (Lan Phương) liên tục bị đẩy vào bi kịch, từ việc phải còng lưng trả nợ thay cho chị chồng đến bị lừa vào bẫy cưỡng hiếp. Cô bị mẹ chồng chì chiết, đay nghiến trong khi chồng kiên quyết đòi ly hôn từ đó rơi vào tuyệt vọng, bế tắc. Thời điểm đó, biên kịch Thương ngày nắng về nhận vô số gạch đá và chỉ trích từ khán giả bởi trọng tâm bộ phim vốn là nhân vật Trang (Huyền Lizzie) và hành trình cô đi tìm lại mẹ ruột.
Cho tới bộ phim Ga-ra hạnh phúc đang phát sóng cũng gây bức xúc khi mang thông điệp chữa lành nhưng các nhân vật liên tục rơi vào vòng xoáy bi kịch, không lối thoát. Nội dung phim ngày càng lan man, những tình tiết vui vẻ, nhẹ nhàng dần biến mất, thay vào đó là drama lắt léo, khó hiểu. Khán giả xem phim cho rằng cảm giác giống bị lừa bởi phim mang tên Ga-ra hạnh phúc nhưng toàn bất hạnh, khổ đau.
Kéo dài nội dung bất chấp để thu quảng cáo?
Việc phim Việt kéo dài thời lượng với nội dung lan man về sau đã không còn xa lạ. Nhiều người cho rằng nhà đài cố tình “bôi” ra để thu lợi nhuận quảng cáo. Điều đó không phải không có lý khi những bộ phim có độ phủ sóng cao đã mang về doanh thu “khủng”.
Theo tính toán từ báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV (TVAD), bộ phim Về nhà đi con mang về 155,5 tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán quảng cáo trong 85 tập phim, chưa tính ngoại truyện và các hình thức quảng cáo khác như chạy banner hay sử dụng nội dung kịch bản phim.
Con số này không gây bất ngờ bởi những phim gây “bão” như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán cũng từng thu được số tiền hơn một trăm tỷ đồng từ quảng cáo.
Người phán xử từng đạt kỷ lục về giá quảng cáo với 220 triệu đồng cho TVC 30 giây. Như vậy, với 10 phút quảng cáo trong bộ phim này, nhà đài có thể thu được hơn 4 tỷ đồng. Với 47 tập, lợi nhuận từ quảng cáo vượt xa con số 100 tỷ đồng.
Hay bộ phim Cả một đời ân oán với 72 tập cũng mang lại cho nhà đài số tiền hơn 150 tỷ đồng.
Tương tự, do sức hút ngay khi lên sóng những tập đầu, Hương vị tình thân ngày càng lạm dụng quảng cáo trước, giữa khung giờ phát sóng. Người hâm mộ chỉ ra có tới 3 quảng cáo 5 giây, 9 TVC 15 giây, 2 clip 20 giây, và 5 clip 30 giây. Thời lượng dành cho quảng cáo gần bằng với thời gian một tập phim.
Tuy nhiên, VTV đã thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng cho mỗi tập phim. Vì vậy, khi bộ phim kéo dài lê thê với những tình tiết vô lý cũng không có gì ngạc nhiên. Đó cũng là điều khiến khán giả lo ngại cho những bộ phim Việt về sau.
Nếu phim Hàn Quốc thường chỉ giới hạn 12 đến 20 tập với nội dung cô đọng, súc tích, phim Việt ngược lại. Một số ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng phim Việt thường có thời lượng kéo dài vì như vậy mới đủ cho biên kịch có thu nhập và nhà sản xuất lấy lại tiền đầu tư, thu lợi nhuận quảng cáo.
Tuy nhiên, nếu đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà không quan tâm tới chất lượng cũng như nội dung bộ phim dẫn tới tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, phim Việt dần khiến người xem quay lưng. Khi thị trường điện ảnh trong nước cũng như thế giới ngày càng được đầu tư, sáng tạo, nhà sản xuất cần lấy khán giả làm mục tiêu trọng tâm.
Phim truyền hình Việt đang chiếm thị phần cao nhưng nếu tình trạng này liên tục tiếp diễn, sẽ dẫn đến kết cục hiển nhiên: Khán giả bỏ chạy!
Theo Đỗ Quyên (Tiền Phong)