Trang ifeng của xứ Trung vừa giới thiệu bộ phim Người Vợ Ba của Việt Nam, với vô vàn lời khen ngợi dành cho tác phẩm có kinh phí khủng nhất từ trước đến nay của điện ảnh Việt. Nếu như trước đây, netizen Trung vẫn nghĩ điện ảnh Việt chỉ thích sản xuất những bộ phim parody như Chầu Hoan Cua Chống, thì nay, Người Vợ Ba với loạt giải thưởng danh giá trên quốc tế mới chính là những thước phim tiêu biểu của điện ảnh Việt.
Chầu Hoan Cua Chống khiến cư dân mạng Trung chia sẻ rầm rộ ngày nào.
Ifeng viết, có sự giao thoa hay liên quan nào giữa điện ảnh Trung Quốc và Việt Nam? Bài viết này sẽ không đề cập đến bộ phim hài chế Chầu Hoan Cua Chống (hay là phiên bản hài làm lại từ Hoàn Châu Cách Cách) trước đó đã được cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ rầm rộ đâu nhé.
Gần đây, đã có một bộ phim của điện ảnh Việt không chỉ gây được tiếng vang với báo chí và các nhà phê bình phim quốc tế, mà còn nhận được những lời khen ngợi và so sánh với đại tác phẩm vốn là niềm tự hào của giải trí Hoa Ngữ đó là Đèn Lồng Đỏ Treo Cao và Mùa Quýt Chín. Chúng ta có thể coi như đó là một lời khen ngợi và động viên đối với nền điện ảnh nước nhà.
Lấy bối cảnh vùng thôn quê Việt Nam cuối thế kỷ 19. Nhân vật chính là một cô gái 14 tuổi. Dưới áp lực của bố mẹ, cô phải kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi và làm vợ ba của người này. Mở đầu phim là gương mặt cô bé chỉ mới 14 tuổi, ngơ ngác trong lễ kết hôn của mình, sự băn khoăn lo lắng và lạ lẫm vì không biết điều gì sẽ chờ đợi mình phía trước.
Trải qua đêm đầu tiên về làm dâu, cô bắt đầu một cuộc sống mới ở ngôi nhà này. Người vợ cả là một phụ nữ đoan trang nghiêm túc, ở vai vế là bà cả trong nhà, ở cô toát lên thần thái người chủ một gia đình.
Người vợ thứ hai xinh đẹp, dịu dàng và tốt bụng. Cô ấy đối xử với người vợ nhỏ mới cưới của chồng như người chị gái đối với cô em gái của mình.
Mặc dù ba người cùng chung một người chồng, nhưng họ rất hòa hợp với nhau, bởi vì điểm chung của họ khi được cưới về chính là phục vụ chồng và sinh cho anh ta một đứa con trai. Tình cờ phát hiện mối quan hệ lén lút giữa vợ hai với thiếu gia trẻ tuổi. Tuy nhiên, bí mật này được nữ chính giữ trong lòng và không tiết lộ với ai bởi bản thân cô cũng rất yêu mến người vợ hai này.
Đánh giá bối cảnh thời gian của câu chuyện và mối quan hệ giữa các nhân vật, Người Vợ Ba khiến người ta không khỏi liên tưởng tới câu chuyện mà Trương Nghệ Mưu đã khắc họa nên vào năm 1991 với Đèn Lồng Đỏ Treo Cao .
Lấy bối cảnh là những năm 1920, nội dung chính của phim xoay quanh cô gái Tùng Liên (Củng Lợi), một cô sinh viên 19 tuổi phải bỏ học để làm vợ lẽ cho một gia đình giàu có. Chồng cô Trần Tả Thiên, một ông già không hơn không kém. Khi mới đến nhà họ Trần, Tùng Liên được nhận sự đối đãi rất tử tế, kẻ hầu người hạ xung quanh, được mát-xa chân mỗi tối và được treo đèn lồng đỏ trước nhà.
Sau một thời gian, Tùng Liên biết được rằng không phải lúc nào cô cũng được đối đãi tử tế như vậy. Mỗi ngày, ông chủ Trần sẽ tự ý quyết định xem trong số bốn người vợ, ai sẽ là người mà mình muốn ngủ đêm hôm ấy. Hễ ai được ông ưng ý sẽ được treo đèn lồng đỏ, được mát-xa chân, được tùy ý chọn món ăn và được những người hầu kẻ hạ cung phụng. Do đó, cả ba người vợ lẽ đều tranh giành với nhau để được ông chồng sủng ái. Riêng bà vợ cả (Nhất phu nhân), vốn đã sinh một người con trai và cũng đã già cả, có vẻ không mấy quan tâm đến điều đó, và quyết định nhường lại cho những cô vợ lẽ.
Hai bộ phim nói về những cô gái bị buộc phải kết hôn mà bản thân họ không thể lựa chọn. Cốt lõi của câu truyện cũng phản ánh điều kiện sống bi thảm của phụ nữ trong bóng tối của quyền nam giới, và chỉ trích sự đàn áp phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hơn nữa, vì Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa. Thế nên việc sử dụng vải đỏ và đèn lồng đỏ trong phim, với màu đỏ rực trong môi trường bị kìm kẹp, gò bó, một kiểu gia trưởng của chế độ chuyên chế gia trưởng phương Đông.
Tuy nhiên, Đèn Lồng Đỏ Treo Cao nhấn mạnh đến sự kiểm soát tổng thể của đàn ông từ thể xác đến tâm hồn. Và sự đấu đá lẫn nhau để tranh giành sự sủng ái của chồng, ánh sáng đèn lồng đỏ trở thành thước đo lường phẩm giá và giá trị cá nhân của người phụ nữ không khỏi khiến người xem cảm thấy đau xót.
Đạo diễn của Người Vợ Ba là Nguyễn Phương Anh, du học và tốt nghiệp thạc sĩ ngành Đạo diễn Kịch nghệ ở Viện Hàn lâm Hoàng gia về Kịch nghệ London (Anh), thạc sĩ ngành Sản xuất phim ở đại học New York (Mỹ). Kịch bản được dựa một phần trên câu chuyện có thật của gia đình cô và dưới góc nhìn đồng cảm của người phụ nữ, giọng điệu của bộ phim không phải là sự thê lương, cay đắng và đầy ám ảnh như Đèn Lồng Đỏ Treo Cao, câu chuyện giống như một dòng suối nhỏ chảy âm thầm lặng lẽ, nhưng cũng đầy bi thương.
Những người phụ nữ trong phim cùng chung một chồng, dưới những đau khổ chung họ có điểm đồng cảm với nhau. Điều này cho thấy được sự dịu dàng, nhẫn nại, nhưng cũng đầy ngoan cường trước một xã hội phong kiến đề cao nam quyền.
Trong phim, có nhiều phân cảnh quay về cơ thể người phụ nữ, nhưng không hề có cảm giác dung tục, mà những phân cảnh này mang lại cho người xem một cảm giác gần gũi tự nhiên nhất, làm tăng thêm sự tươi mới và ấm áp cho bộ phim. Đồng thời tác phẩm cũng sử dụng những chi tiết phụ khác như hình ảnh sâu, bươm bướm, con trâu... và những hình ảnh phong phú khác, nhưng truyền tải được sự khao khát sâu bên trong, sự ham muốn cảm xúc, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.
Dù là bộ phim về nữ quyền, nhưng đạo diễn không dừng lại ở những đau khổ và bi kịch của người phụ nữ, mà cô cũng khắc họa thêm về người đàn ông sống trong bóng tối của chế độ phụ hệ. Ví dụ như chàng thiếu gia trẻ tuổi, anh không thể lấy được người mình yêu mà còn gián tiếp dẫn đến bi kịch của một cô gái khác. Hay là một tình tiết khác trong phim, hai người đầy tớ bị phát hiện yêu đương vụng trộm, người hầu gái thì được gửi đến chùa, còn người đàn ông thì bị phạt đòn roi hết sức dã man.
Điều này khiến người xem lại liên tưởng tới một tác phẩm kinh điển khác của màn ảnh Hoa Ngữ, đó là Mùa Quýt Chín. Tú Hòa, cô gái mồ côi, nhà nghèo nhanh chóng bị cuốn hút bởi chàng thanh niên thông minh - hiện đại và tâm lý Diệu Huy. Nhờ anh, Tú Hòa biết thế nào là yêu, là thương, là rung động.
Cả Diệu Huy và Tú Hòa đều không có lỗi, cả tình yêu mà họ mang cũng không có lỗi lầm. Lỗi là do họ đã sinh nhầm thời đại, họ gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu của cuộc đời. Có người trách Tú Hòa yếu đuối, trách Diệu Huy nhu nhược. Nhưng trong xã hội Trung Quốc ngày ấy, dù cho họ đấu tranh thế nào đi chăng nữa thì vẫn chẳng thế bên nhau.
Câu chuyện này cũng cho thấy những tác hại của chế độ phụ quyền phong kiến suy đồi đối với mọi con người trong xã hội đó. Bởi lẽ, cả đàn ông và phụ nữ đều không có tự do. Ngay cả những người đàn ông leo lên đỉnh cao cũng không có tự do mà tính cách họ cũng bị bóp méo. Ngày nay, mặc dù xã hội phong kiến đã lùi rất xa, xã hội hiện đại, nhưng sự áp bức vô hình của văn hóa gia trưởng vẫn tồn tại, và những tình huống khó xử thực sự mà phụ nữ phải đối mặt vẫn còn khá nhiều.
Nhìn ra thế giới, phụ nữ không được đối xử bình đẳng với nam giới. Các vấn đề như nghèo đói của phụ nữ, phân biệt giới tính và tội phạm tình dục luôn tồn tại. Đây là tất cả những gì chúng ta cần phải đối mặt và cải thiện.
Trailer "Người Vợ ba" |
Theo Vân Yên (Helino)