Tại Công diễn 4 Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, bên cạnh những sân khấu trình diễn nhóm chất lượng thì các sân khấu song ca của 4 nhà cũng gây chú ý. Đặc biệt, tiết mục Chuyện Nhà Bé Thôi Con Đừng Về của Kay Trần - Bùi Công Nam đã thành công trong việc lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Phần dàn dựng của sân khấu kể về hai người con xa nhà, Bùi Công Nam là chàng sinh viên trong khi Kay Trần hóa thân thành anh thợ sửa xe lam lũ. Kay Trần gây ấn tượng khi có lần hiếm hoi khoe giọng hát cực kì ngọt ngào với giai điệu ballad.
Phần hòa giọng của Bùi Công Nam và Kay Trần "chạm" đến khán giả bởi cảm xúc về tình cảm gia đình. Phần “rap battle” giữa 2 Anh Tài cũng khiến cảm xúc của khán giả thêm bùng nổ, thể hiện rõ nét sự giằng xé nội tâm giữa 2 nhân vật.
Tuy nhiên, sau khi tiết mục lên sóng, phần “rap battle” tranh cãi giữa 2 anh em Kay Trần - Bùi Công Nam bất ngờ bị không ít netizen soi có phần triển khai, ý tứ, câu từ giống với sân khấu Chạy cực kì nổi tiếng của GDucky và Tez ở mùa 1 Rap Việt. Phần battle giữa GDucky và Tez năm nào vẫn được đánh giá là một trong những tiết mục xuất sắc nhất của tất cả các mùa Rap Việt.
Bùi Công Nam thông qua broadcast channel của mình đã thừa nhận 2 bài quả là đúng về motif triển khai: “Sốp mới xem xong, cũng ổn. Sốp có đọc cmt thấy 1 số bạn nói đoạn rap giống 1 số bài battle khác, sốp có check 2 bài các bạn comment nghe thì thấy đúng là giống về motif triển khai…”
Tuy nhiên, Bùi Công Nam cũng phân tích: “Thật ra mọi người để ý battle rap có nhiều motif khác nhau, nhưng để 1 đoạn battle ngắn tầm 30s cho 2 người đối đầu nhau thì thường cách hiệu quả nhất sẽ là đối đáp nhau qua lại bằng: chất vấn, hỏi, cảm thán, trách móc,... bla bla, flow và lyric thì sẽ tuỳ vào cách triển khai mỗi người theo idea của mình và theo beat nhạc
Vì nó hiệu quả với đoạn battle rap ngắn nên đa phần các rapper, nghệ sĩ sẽ dùng motif này và sốp cũng v. Ban đầu lyric sốp dùng "mày" "tao" nhưng đài không duyệt nên phải đổi "ngươi" và "ta". Chung quy lại thì sốp nghe thấy giống ở cái "ngươi" và "ta" cái flow ngắn chữ qua lại ở gần cuối (kiểu này thường là motif phổ biến của battle rap để tạo cao trào cuối đoạn). Còn về lyric, flow, tempo, hoà thanh, nhịp beat tổng thể của các bài mọi người so sánh thì là bài khác nhau nà".
Có thể thấy với chuyên môn của một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc có khá nhiều năm trong nghề, Bùi Công Nam đã chỉ ra khá rõ về việc giống và khác nhau giữa tiết mục của anh và Chạy. Từ đó cũng sớm làm các luồng ý kiến trái chiều nhanh chóng chấm dứt.
Theo Minh Khôi (Phụ Nữ Mới)