“Aladdin và thần đèn siêu quậy” với nội dung chính là cuộc giải cứu công chúa khỏi cuộc hôn nhân bất đắc dĩ với tên ác nhân Shah Zaman (Jamel Debbouze). Aladdin (Kev Adams) từ một tên trộm vặt sau khi chiếm được tình yêu của công chúa Shallia (Vanessa Guide) đã từ bỏ những chuyến phiêu lưu để sống vui vẻ sung túc cùng nàng trong cung điện. Thế nhưng bản tính ngựa hoang không cho phép chàng ta chịu ngồi yên một chỗ, Aladdin tiếp tục khao khát được vi vu khắp nơi, chinh phục mạo hiểm trên chiếc thảm bay của mình. Cho đến một ngày tên bạo chúa nước láng giềng Shah Zaman - một kẻ lố bịch, tàn nhẫn, hiện thân của chế độ độc tài tới và tuyên bố sẽ chiếm lấy ngai vàng Baghdad và công chúa Shallia, Aladdin bị quân lính của chính mình phản bội chạy theo kẻ địch, không còn cách nào khác ngoài trốn đi thật xa chờ cơ hội trả thù.
Ở thời đại mà những câu chuyện cổ tích đã nằm lòng và trở nên quá đỗi quen thuộc đến mức nhàm chán thì người ta lại có xu hướng thích biến tấu và bẻ cong nó. “Aladdin và thần đèn siêu quậy” là bản mix lộn xộn của Aladdin, Alibaba và 40 tên cướp, đâu đó trong bộ phim khán giả bắt gặp 3 chàng Ngự lâm quân, còn tạo hình thần đèn Genie (Eric Judor) là một sự chế giễu lớn trước nhan sắc của Quasimodo (Thằng gù ở nhà Thờ Đức Bà).
Ở “Aladdin và thần đèn siêu quậy”, đạo diễn Lionel Steketee đã đập tan mọi ranh giới để kéo những thứ chẳng liên quan đến nhau lên cùng một bàn tiệc. Nhưng điều này luôn có 2 mặt, nếu không muốn bữa tiệc trở thành tạp nham thì phải u hóa những món ăn Trung Đông, đạo diễn chọn cách này cho sản phẩm của mình, đồng nghĩa với việc giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của phim đã mất đi 1 nửa. Thế giới Phương Đông không còn huyền bí và kì ảo như nó vốn có mà trở nên trần tục, tào lao hơn bao giờ hết.
Đúng với khẩu vị của người Pháp, “Aladdin và thần đèn siêu quậy” khai thác tối đa sự châm biếm trong lời thoại và nhiều phân cảnh, tuy nhiên cường độ liên tục của châm biếm khiến khán giả bội thực, không kịp nhớ thì đã quên, tất cả đều trôi tuột theo tiếng cười sau khi ra khỏi rạp. Nên nói “Aladdin và thần đèn siêu quây” là một bộ phim giải trí thuần túy, xem cho vui thì cũng không sai, dù không phủ nhận nỗ lực cố gắng làm tốt hơn phần 1 của nhà sản xuất.
Eric Judor là một diễn viên tài năng nhưng trong “Aladdin và thần đèn siêu quậy” nhân vật thần đèn của anh với tính cách tào lao, ngốc nghếch, phép thuật sớm nắng chiều mưa trưa hỏng hóc chưa có nhiều đất diễn và khá mờ nhạt. Xuyên suốt bộ phim, sự xuất hiện của Thần đèn chỉ có vai trò như chất bôi trơn giúp cho cuộc phiêu lưu của Aladdin trơn tru và bớt phần tẻ nhạt.
Aladdin dù tạo hình có phần hơi khó hiểu với mái tóc dựng ngược khiến người xem dễ liên tưởng đến nhân vật Songoku trong truyện tranh Nhật Bản, tuy nhiên, một bộ phim hài với mục đích chính là chọc cười khán giả thì chi tiết này cũng không đáng mấy để bận tâm. Chưa kể, vẻ điển trai và độ hot của Kev Adams tại Pháp dễ khiến khán giả phát cuồng, bất chấp anh có để kiểu tóc gì, tạo hình xấu đẹp ra sao hay kể cả việc diễn xuất của anh chỉ ở mức trung bình, và hầu như các vai diễn anh đóng chỉ đều chỉ một màu vui vui như vậy.
Bộ phim lồng ghép đan xen giữa câu chuyện của Aladin với thực tại của chàng trai tên Sam (Kev Adams) trên chuyến bay đến Ma-rốc để dành lại tình yêu của Sofia (Vanessa Guide) trước khi cô kịp kết hôn với Marco (Jamel Debbouze). Có lẽ để duy trì tính chất cổ tích của truyện mà Aladin được thuật lại dưới lời kể của Sam trong suốt hành trình bay. Tuy nhiên, cách làm này thực chất không cần thiết, có cũng được mà không có cũng không sao, bản thân Aladdin đã là một câu chuyện độc lập có thể tự thân phát triển mà không cần đến sự trợ giúp.
Nhìn chung, bỏ qua những giá trị nghệ thuật chân chính thì “Aladdin và thần đèn siêu quậy” là một bộ phim giải trí ổn, đủ dí dỏm và ngốc nghếch để cười, trong trường hợp nếu bạn đã chán các bộ phim hài Việt thì hãy một lần thử đổi vị với “Aladdin và thần đèn siêu quậy” cũng là một gợi ý không tồi trong tháng này.
Trailer phim. |
Phim đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 19.4.
Trúc An (SHTT)