Phim điện ảnh Cám có những suất chiếu đầu tiên trên màn ảnh rộng, thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là giới trẻ. Phim được xây dựng dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám, song tập trung vào nhân vật Cám (Lâm Thanh Mỹ) và phát triển thêm nhiều tuyến nhân vật không có trong cổ tích. Cám trong dự án điện ảnh cũng được làm khác đi so với nhân vật cổ tích, trở thành người sinh ra đã mang hình hài dị dạng, bị mẹ lẫn cha hắt hủi, song cô có mối quan hệ chị em tốt đẹp với cô Tấm (Rima Thanh Vy).
Tuy nhiên, đó chỉ mới là khởi đầu cho đến lúc Cám gặp một biến cố và trở nên "hắc hóa". Chính những thay đổi về nội dung cùng việc bộ phim quy tụ dàn cast trẻ đẹp, tài năng của màn ảnh Việt, Cám được khán giả nói chung và hội Gen Z nói riêng đặt nhiều kỳ vọng để rồi thất vọng hay thỏa mãn?
Đông đảo Gen Z cho hay họ cảm thấy thích thú và ấn tượng với Cám bản điện ảnh. Không còn là hình tượng cô gái xấu xí về mặt tính cách mà thay vào đó là sự biến dạng về vẻ ngoài nhưng có tâm hồn lương thiện, trong sáng.
Sinh ra bất hạnh, bị người đời đối xử không tử tế, song chính yếu tố này đã khiến nhân vật Cám trở nên ấn tượng, đem đến nhiều bất ngờ cho khán giả.
“Cám là nhân vật có đầy đủ cảm xúc nhất trong bộ phim ngày hôm nay, mang đến cho mình cảm giác Cám từ nhân vật này, lột xác thành nhân vật khác”, Hoài Thương (Quận 8, TP.HCM).
Xuân Huỳnh (Thành phố Thủ Đức) cho biết đã bị hấp dẫn bởi nhân vật Cám: “Kịch bản tạo nên sự bất ngờ cho tôi khi xem phim. Hình ảnh cô Cám trở nên xấu xí, không được nuông chiều như những câu chuyện cổ tích”.
Nhưng Cám sau đó bị đẩy vào những giới hạn thử thách: Cô trả thù tình đầu dối gạt, không “cản được phần tà” trong mình để cả gia đình bị hãm hại.
Điều này cũng khiến người xem đặt ra dấu chấm hỏi: “Liệu rằng những người có xuất phát điểm không tốt muốn sống cuộc đời nhẹ nhàng, thiện lành cũng… khó lắm?".
Nói về điều này, đông đảo Gen Z cởi mở cho rằng lương thiện chính là sự lựa chọn. Làm người tốt không khó, cái khó chính là vượt qua “con quỷ” bên trong mình.
“Khó, nhưng không phải là không thể. Nếu bạn có đủ sự nỗ lực và cố gắng, đừng bao giờ để ý lời chê bai của những người ngoài cuộc. Họ không phải là mình nên họ không biết rõ mình như thế nào. Hãy cứ sống là chính mình, vì mình, làm hết khả năng mình có”, Thanh Hiền (quận 10, TP.HCM) chia sẻ.
Hà Chi (Quận 7, TP.HCM) cũng có cùng quan điểm: “Trong cuộc sống, không có ai có xuất phát điểm giống nhau. Cái quan trọng là mục tiêu và cách mình phấn đấu, vượt lên khỏi cái khó của mình. Thế nên, theo mình cuộc sống của bạn là từ chính xuất phát điểm do bạn tạo nên chứ không phải điểm xuất phát ban đầu hay qua những lời dị nghị, so đo của người khác”.
“Xuất phát điểm không tốt mà để làm người tử tế thì sẽ có phần khó khăn hơn những người vốn đã được nâng niu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể vượt qua được, nếu bạn thật sự mong muốn và cố gắng”, Xuân Huỳnh (Thành phố Thủ Đức, TP.HCM) tâm đắc nhấn mạnh.
Thế nên, sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, bản thân có nhiều hạn chế... không đồng nghĩa với việc bạn không thể làm người lương thiện, tử tế.
Xuất phát điểm không tốt chẳng qua chỉ là thử thách, nếu bạn có đủ sức mạnh, lòng tin vào chính mình thì chẳng điều gì có thể làm khó được bạn. Mỗi người trong cuộc sống đều có những cái khó, nỗi khổ của riêng mình, không ai giống ai. Ai cũng phải vượt qua “cơn giông” của cuộc đời mình nếu muốn ngày mai là ngày tươi sáng hơn.
Rõ ràng trong phim Tấm (Rima Thanh Vi) được xây dựng với hình ảnh của một cô gái xinh đẹp - có thể nói là đẹp nhất trong cả làng Hương. Tuy nhiên, thứ khiến nhiều người xem cảm mến cô gái này lại chính là tấm lòng lương thiện và sự quyết tâm chiến đấu đến cùng của cô khi nhận ra em gái mình - Cám “hắc hóa”.
Điều này một lần nữa khẳng định thông điệp: "Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy tạo nên số phận cho chính mình”.
Theo Trần Hà (Nguoiduatin.vn)