Squid Game (Trò Chơi Con Mực) có lẽ chính là phim truyền hình "gây bão" nhất của năm 2021, thậm chí vượt mặt cả hàng loạt các series Âu Mỹ đình đám. Bộ phim này đánh dấu bước thử mạo hiểm mà vô cùng thành công của Netflix Hàn khi lựa chọn chủ đề sinh tồn - tâm lý. Mặc dù vướng phải một số tranh cãi, Squid Game đang trên đường trở thành series được xem nhiều nhất của Netflix. Tác phẩm cũng là phim Hàn Quốc đầu tiên đứng top 1 thịnh hành Netflix Mỹ, chứng tỏ sức hút quá khủng mặc cho nhiều rào cản văn hóa, ngôn ngữ.
Không chỉ khiến người xem phải hồi hộp, đoán già đoán non với từng tình tiết, Squid Game còn được chú trọng đầu tư từ bối cảnh cho tới nhân vật, câu chuyện. Dưới đây là 5 bí mật hậu trường của Squid Game mà ắt hẳn nhiều khán giả không hề biết.
1. Các nhân viên áo đỏ được lấy cảm hứng từ... loài kiến
Thế giới của Squid Game gây ấn tượng bởi những "nhân viên" mặc đồ đỏ, đeo mặt nạ có 3 hình thù đặc trưng là tròn, vuông và tam giác. Mỗi hình trên mặt nạ sẽ thể hiện một cấp bậc, nhiệm vụ đặc trưng của người đeo nó. Vòng tròn có nghĩa là công nhân. Tam giác có nghĩa là các người lính với vũ khí. Hình vuông ám chỉ những có quyền quản lý.
Đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã chia sẻ rằng các nhân vật và sự phân chia cấp bậc này được ông lấy cảm hứng từ loài kiến. Các con kiến cũng hoạt động với những nhiệm vụ riêng biệt và cả đời chỉ cần mẫn phục vụ một mục đích duy nhất.
2. Những chiếc cầu thang rối não chính là ẩn dụ cho trò chơi
Một trong những bối cảnh xuất sắc và để lại ấn tượng mạnh nhất của Squid Game chính là khu vực cầu thang với nhiều màu sặc sỡ, rối rắm. Những khán giả mơ hồ nhất với Squid Game có lẽ cũng sẽ cảm nhận được một ý nghĩa trừu tượng nào đó đang được tác giả gửi gắm vào khung hình này.
Thực tế, bối cảnh cầu thang này trong Squid Game đã được ekip lấy cảm hứng từ bức họa Relativity (Sự Tương Đối) nổi tiếng của nghệ sĩ đồ họa Maurits Cornelis Escher người Hà Lan. Bức tranh gốc thể hiện suy tưởng của ông về một thế giới khi trọng lực không tồn tại. Việc bộ phim sử dụng ý tưởng này cũng ngầm thể hiện rằng trong thế giới của Squid Game, các luật lệ, lề thói của thế giới thực cũng không được áp dụng.
3. Theo kế hoạch ban đầu, dàn nhân vật sẽ mặc... đồng phục học sinh
Ý tưởng ban đầu của đạo diễn Hwang Dong Hyuk chính là để các người chơi trong Squid Game mặc đồng phục học sinh - bởi vì khi còn thơ bé, ông thường chơi các trò tuổi thơ trong bộ đồng phục. Tuy nhiên về sau, bộ trang phục thể thao màu xanh - trắng lại được ekip ưng hơn vì nó sẽ khiến màu máu đỏ trở nên nổi bật. Theo đạo diễn, bộ đồ của các người chơi cũng làm ông nhớ đến đồng phục thể dục thời đi học.
Ý đồ của ekip cũng chính là tạo ra sự tương phản lớn giữa đồng phục của người chơi và nhân viên của thế giới Squid Game. Họ muốn khiến khán giả liên tưởng tới "trẻ con đi chơi ở công viên và có người lớn theo dõi".
4. Tên ban đầu của Squid Game nghe... mất hứng hơn hẳn, may mà đạo diễn đổi tên!
Squid Game không phải là cái tên ban đầu của bộ phim này. Năm 2019, đã có thông tin về dự án này được Netflix triển khai. Khi ấy, cái tên xuất hiện trên các trang báo thế giới là Round 6 (tạm dịch: Vòng Thứ 6), có lẽ vì Squid Game bao gồm 6 trò chơi. Tuy nhiên, cái tên Round 6 lại kém hấp dẫn hơn hẳn so với cụm từ Squid Game gây tò mò.
5. Phim hạn chế dùng kỹ xảo, phần lớn đều là "người thật việc thật"!
Có khá nhiều yếu tố trong Squid Game tạo cảm giác "siêu thực" cho khán giả, điển hình như "cô bé" búp bê ở trò chơi đầu tiên, khu phố Hàn Quốc thu nhỏ ở trò bắn bi, hay chiếc cầu thang kính hiểm nghèo ở gần cuối. Tuy nhiên hóa ra tất cả đều được ekip xây dựng thật sự, và kỹ xảo chỉ được sử dụng để thêm thắt, chỉnh sửa đôi chỗ.
Thậm chí trong trò "Đèn xanh, đèn đỏ" với sự tham gia của 456 người chơi, cũng có tổng cộng ngần ấy diễn viên thực sự diễn xuất. Thông thường, các bộ phim khác chỉ đơn giản sử dụng kỹ xảo để "lấp đầy chỗ trống" chứ không thuê đến tận vài trăm người cho 1 phân đoạn.
Squid Game đã ra mắt đủ các tập trên Netflix.
Theo HieuThuBa (Trí Thức Trẻ)