Ra mắt vào năm 1997, đến nay, Titanic vẫn là một trong những bộ phim điện ảnh thành công vang dội nhất. Tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn James Cameron chiến thắng 11 giải Oscar và là một trong bốn phim có doanh thu cao nhất lịch sử Bắc Mỹ.
Quay lại cả một cảnh phim vì chòm sao sai vị trí
Sau khi bộ phim được trình chiếu rộng rãi, nhà Thiên văn học Neil deGrasse Tyson đã gửi email tới cho đạo diễn James Cameron, nói rằng trong cảnh nàng Rose nằm trên tấm cửa nhìn lên bầu trời, chòm sao trên màn ảnh không phải là chòm sao mà lẽ ra Rose sẽ thấy trong thực tế ở thời điểm và địa điểm đó. Vậy là khi ra bản 3D vào năm 2012, Jame Cameron đã quyết định quay lại cảnh phim này cho chân thật.
Chắc hẳn fan của bộ phim còn nhớ một cảnh xúc động khi tàu chìm. Đó là hình ảnh đôi vợ chồng già ôm nhau nằm trên giường chờ khoảnh khắc cuối đời của mình đổ chuông. Hai nhân vật này được dựa trên hình mẫu có thật là Ida và Isidor Straus, người sáng lập nên chuỗi cửa hàng Macy’s. Họ cùng có mặt trên con tàu Titanic và chìm cùng nó khi tai họa xảy ra.
Bức phác họa nghìn đô của đạo diễn James Cameron
Trong phim, chàng Jack đã vẽ phác họa nàng Rose bằng bút chì. Thực tế, bản vẽ này được chính tay đạo diễn James Cameron tạo nên. Bức phác họa này sau đó được bán đấu giá vào năm 2011 và được trả giá là 16.000 USD.
Lộ diện người ở trên tàu Titanic lâu nhất
Vẫn là đạo diễn James Cameron. Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn cho biết vì muốn tái hiện chi tiết nhất con tàu Titanic, ông đã lặn xuống khu xác tàu nhiều lần để quan sát và ghi chép. Kết quả lại, có lẽ ông là người ở trên tàu lâu hơn bất cứ hành khách nào.
Hầu hết chi tiết trang trí đều đúng với lịch sử
Chính vì sự kỹ tính của Cameron mà hầu như phần trang trí, thiết kế trong phim đều giống hệt con tàu lịch sử. Đó là vì đoàn phim cũng đã thuê White Star Line tham gia quá trình sản xuất phim. Đây chính là công ty từng thiết kế và thi công cho tàu Titanic thật.
Cameron yêu cầu độ chính xác cao như phải dùng giấy dán tường thật, đèn chùm pha lê và thậm chí có nhiều đồ vật không lên hình nhưng vẫn được đóng logo của White Star Line.
Hơn 1 triệu USD cho một phút phim
Bản dựng cuối cùng của Titanic dài 195 phút, trong khi đó chi phí làm phim hết 200 triệu USD. Điều đó có nghĩa là mỗi phút trên màn ảnh tốn hơn 1 triệu USD. Đội ngũ sản xuất của Fox và Cameron đã có “cuộc chiến” căng thẳng vì quá trình làm phim bị kéo dài và kinh phí bị đội lên quá nhiều.
Dùng trứng cá nghìn USD để quay phim
Để tạo cảm giác thượng lưu trong các cảnh quay, đoàn phim đã không tiếc tay khi chi tiền. Theo tờ Vanity Fair dẫn lời người đóng thế cho Leonardo DiCaprio, các diễn viên của Titanic đã được phục vụ món trứng cá muối Beluga. Món ăn đắt đỏ này có giá 3.200 đến 4.500 USDmột pound (khoảng 450 gram).
Leonardo DiCaprio mang thú cưng đến trường quay
Cũng theo lời một người đóng thế cho Leo, nam diễn viên điển trai này thường mang thú cưng là một con thằn lằn đến trường quay, và thậm chí còn đi dạo với thằn lằn trên tay.
Lời thoại ngẫu hứng lại trở thành biểu tượng của phim
Trong cảnh kinh điển khi chàng Jack nắm tay nàng Rose đứng trước mũi tàu, câu nói: “Tôi là vua của thế giới” (I'm king of the world!) thực chất không hề có trong kịch bản. Đó là do Leo ngẫu hứng thốt lên, và câu nói này lại trở thành một trong những câu ấn tượng nhất của phim.
Đoàn phim bị đầu độc
Trong những ngày quay cuối cùng của đoàn tại Nova Scotia, có người đã bỏ chất PCP (một loại chất gây ảo giác còn có tên gọi là bụi thiên thần) vào món súp ngao. Vụ việc này khiến 80 người trải qua cơn hoang tưởng. Nhiều người phải nhập viện nhưng may mắn không ai bị di chứng lâu dài. Khi Cameron nhận ra trong thức ăn có độc, ông lập tức móc họng để nôn hết thức ăn.
150 vai “siêu phụ”
Để tránh việc thuê nhiểu diễn viên phụ và mất công đào tạo cách đi đứng, cử chỉ của năm1912, đoàn phim đã thuê 150 người để lập thành đội diễn viên phụ nòng cốt. Những người này phải theo một khóa học để có thể tái hiện chính xác cung cách của thời kỳ đó.
Thậm chí những nhân vật phụ này còn có tên và có cả câu chuyện đời riêng của mình, mặc dù khi lên phim, họ không hề có câu thoại nào, hoặc thậm chí đôi khi chỉ là lướt qua màn ảnh.
Phiên bản đời thực của Jack
Nhân vật Jack được xây dựng dựa trên cuộc đời của một tác giả nổi tiếng là Jack London, người sống cùng thời đại với con tàu Titanic thật. Ông nổi tiếng với những tác phẩm như Tiếng gọi nơi hoang dã và Nanh trắng. Thời trẻ, London cũng từng làm thủy thủ.
Lẽ ra Jack đã có thể sống
Theo lời giới khoa học, Jack có thể nằm trên cánh cửa cùng Rose. Thậm chí họ đã làm cả thí nghiệm để chứng minh điều này. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn gần đây, sau khi đã quá chán ngán vì bị thiên hạ vặn hỏi về sự vô lý này, James Cameron đã trả lời ngắn gọn rằng: “Jack phải chết vì kịch bản viết như thế”.
Theo Ly Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)