Bệnh nhân V.H.Q, 41 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên, vốn có bệnh lý tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên. Trước Tết, do không kiểm soát tốt tình trạng này, anh bị chảy máu não với biểu hiện đau đầu, mất ý thức, liệt tứ chi, phải cấp cứu ở một bệnh viện tại Hà Nội.
Sau đó, gia đình xin chuyển anh về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị. Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu do xuất huyết não, được đặt ống nội khí quản, thở máy.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nhận định đây là ca bệnh nặng. Những bệnh nhân xuất huyết não (cụ thể là cầu não) có tỷ lệ tử vong cao, thậm chí lên tới 80% nếu không được xử trí kịp thời.
Các bác sĩ đã lên phác đồ điều trị cho anh Q. gồm hồi sức hô hấp, thông khí nhân tạo, chống phù não kết hợp thuốc bảo vệ tế bào thần kinh. Sau 16 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không còn thở máy, thực hiện tốt các y lệnh, không còn liệt. Anh được chuyển lên khoa Phục hồi chức năng tiếp tục điều trị.
Sai lầm thường gặp trong điều trị tăng huyết áp dẫn đến biến chứng
Xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu nằm trong não bị vỡ ra hoặc tăng tính thấm làm máu thoát ra khỏi lòng mạch, khiến máu chảy vào các nhu mô não. Sự tăng áp lực đột ngột trong não có thể gây tổn thương các tế bào não xung quanh khối máu tụ. Lượng máu chảy nhanh sẽ gây tăng áp lực đột ngột có thể dẫn đến mất ý thức hoặc tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), cho hay 80% trường hợp gây xuất huyết não là do cao huyết áp, những nguyên nhân khác như u não, rối loạn đông máu, huyết khối tĩnh mạch...
Người mắc tăng huyết áp được coi là một trong những đối tượng dễ bị xuất huyết não khi bệnh không được điều trị đúng. Các chuyên gia tim mạch khẳng định việc không tuân thủ điều trị là sai lầm với nhiều bệnh nhân.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Hải, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay tăng huyết áp là bệnh cần điều trị lâu dài, suốt đời. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nhưng cũng lại là nguyên tắc hay bị bỏ quên nhất.
"Người bệnh thấy khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, huyết áp đo ở ngưỡng ổn định thì lại bỏ không uống thuốc. Cho đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao mới dùng thuốc. Điều trị như vậy sẽ không có tác dụng dự phòng được các biến chứng, nghĩa là không có hiệu quả", bác sĩ Hải cho hay.
Một sai lầm khác trong điều trị, kiểm soát tăng huyết áp là dù luôn mang thuốc nhưng nhiều người chỉ uống khi cảm thấy huyết áp lên (đau đầu, mặt nóng bừng). Trong khi đó, việc uống thuốc huyết áp phải đều đặn, hằng ngày để kiểm soát. Thực tế, nhiều trường hợp không có dấu hiệu cảnh báo, chỉ biết huyết áp tăng vọt khi nhập viện do tai biến mạch máu não, đột quỵ.
Do đó, bác sĩ Hải khuyến cáo người dân cần uống thuốc đầy đủ nếu được chỉ định, vận động thể lực phù hợp, duy trì đều đặn ít nhất 45 phút mỗi ngày. Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn nhạt, giảm muối, hạn chế ăn mỡ động vật, các thức ăn giàu cholesterol như phủ tạng động vật. Người bệnh nên ăn nhiều rau quả, hạn chế rượu, bia, bỏ thuốc lá, chú ý đến việc giảm cân (nếu thừa cân), thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
Theo Võ Thu (VietNamNet)