Nguyễn Thanh Loan (Hải Phòng)
Khi trẻ bị sốt co giật, cần phải ngay lập tức bằng mọi cách hạ thân nhiệt cho trẻ. Nới rộng quần áo; đặt trẻ ở trong phòng thoáng khí, tránh gió lùa; chườm mát toàn thân; đặt viên đạn hạ sốt vào hậu môn cho trẻ để dự phòng sốt tăng lên. Viên đạn đặt hậu môn có thành phần là paracetamol, liều lượng tùy vào tuổi và cân nặng của trẻ.
Ngày dùng không quá 4 lần đặt. Bạn hãy bình tĩnh và đừng nên hốt hoảng vì đa số các cơn co giật chỉ kéo dài 1 - 2 phút và thường lành tính, hiếm khi gây hại đến sức khỏe của trẻ. Nếu với tất cả các phương pháp trên đều không có hiệu quả, cơn giật kéo dài trên 5 phút, cần đưa trẻ đến bác sĩ khám để dùng thuốc cắt cơn giật.
Ghi nhớ thời gian bắt đầu cơn co giật để xác định chính xác khoảng thời gian cơn co giật là điều quan trọng trong việc đánh giá độ nặng của sốt cao co giật. Nên đưa trẻ vào bệnh viện hay đến bác sĩ khám sau khi cơn co giật đầu tiên chấm dứt để được theo dõi, đánh giá và nhập viện nếu cần.
Thông thường thì sốt co giật không có chỉ định điều trị phòng ngừa. Phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tránh cho trẻ không bị sốt cao. Nếu trẻ bị sốt thì cần kiểm soát chặt chẽ để thân nhiệt không vượt quá 37,5oC.
Theo B.S Lê Thục (Sức Khỏe & Đời Sống)