ThS.BS Lê Tuấn Anh, Phó khoa Chỉnh hình nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội) cho biết bệnh viện đang điều trị cho bé Anh Thư (3 tuổi, ở Phong Thổ, Lào Cai). Khi tiếp nhận, bé Thư đã ở trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, tay chân bị hoại tử và phải thở máy. Sau nhiều ngày điều trị, hiện tính mạng cháu đã qua cơn nguy kịch nhưng không thể giữ lại được hai bàn tay. Sắp tới, khi sức khỏe bé hồi phục, đôi bàn chân cũng sẽ tiến hành tháo khớp vì không còn sự sống.
“Chúng tôi phải tháo khớp bàn tay và cẳng tay cho bệnh nhi vài hôm trước, nhưng do gia đình lưỡng lự, mãi đến ngày 11/4 mới quyết định nên mới thực hiện phẫu thuật cho cháu”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.
Mẹ bé Thư, chị Tẩn Thị Hồng (sinh năm 1993, Phong Thổ, Lào Cai), chia sẻ: “Chính tôi cũng không biết và không hiểu vì sao con bị như vậy”.
Ngày 24/3, bé Thư có biểu hiện ăn kém và kèm sốt. Ban đầu người mẹ này chỉ nghĩ con ốm vặt do thời tiết và cho uống thuốc nhưng không khỏi.
“Đêm hôm đó, cháu sốt cao rồi ngủ li bì. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi hoảng hồn khi thấy tay chân con có vết phồng như bỏng nước và tím đen lại, lo lắng quá tôi đưa con đến viện cấp cứu”, chị Hồng kể.
Ngay sau đó, chị Hồng cùng chồng đưa con ra bệnh viện huyện, rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện đa khoa của tỉnh. Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bé bị nhiễm liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, các xét nghiệm đã loại trừ khả năng này. Đến ngày 26/3, bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương.
Người mẹ này cũng cho hay kể từ khi tay con bị hoại tử cứ mỗi khi giơ tay lên là con lại khóc thét, con không tin đó là tay, chân của mình. “Từ hôm qua đến giờ khi cắt bàn tay đen đi cháu không khóc vì sợ nữa, mà chỉ kêu đau ở nơi đang băng bó”, chị Hồng nói.
Bác sĩ Tuấn Anh khẳng định việc một số thông tin cho rằng cháu bị bệnh than, liên cầu lợn… là không chính xác. Kết quả xét nghiệm cho thấy chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết. Sau đó, bé bị tắc mạch ngoại vi ở các chi do nhiễm khuẩn huyết và dẫn đến bị hoại tử.
Bác sĩ này cho rằng có rất nhiều tác nhân gây nên nhiễm khuẩn huyết, có thể chỉ là một vết xước trên da, côn trùng đốt hoặc thậm chí là viêm răng, viêm họng… Sau đó, vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây nên nhiễm trùng.
“Để phòng tránh căn bệnh này, người dân nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ngủ mắc màn và tránh bị côn trùng đốt. Khi sốt cao dù uống thuốc không có biểu hiện đỡ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra”, bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo.
Theo Hà Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)