Người ta thường nói, phim là công cụ phản ánh hiện thực đời sống một cách rõ nét nhất. Có lúc nó văn hoa, lấp lánh hơn nhưng có khi lại nghiệt ngã, nhức nhối gấp bao lần ngoài đời. Thực chất, mỗi con người - mỗi cuộc đời là một bộ phim khác nhau. Chỉ khác rằng, trong bộ phim ấy chúng ta phải đảm nhận nhiều vai trò, vừa là biên kịch, vừa đạo diễn, diễn viên chính và có khi là kiêm luôn cả khán giả. Nhưng ít có ai thích thú bình phẩm bộ phim của cuộc đời mình mà họ thường dành sự quan tâm nhiều hơn đến bộ phim của cuộc đời người khác. Không cần biết "Cua lại vợ bầu" đã làm mưa làm gió tại các rạp trên toàn quốc hay gặp phải những scandal gì nhưng thông điệp mà nó truyền tải chẳng khác nào một ly cafe, vừa đậm đà, đủ vị ngọt, vị đắng làm những ai đã, đang và sẽ bước vào hôn nhân bỗng nhiên "tỉnh người".
Một bộ phim không quá đặc sắc, không hề có nhiều tình tiết mới lạ hay xuất chúng, nó dàn trải, đều đều như nhịp sống hằng ngày, như hơi thở tình yêu tồn tại trong mỗi người chúng ta. Đã từng có bao nhiêu người như cặp đôi Trọng Thoại - Hạ Linh, yêu nhau đến 7 năm, có cả một khoảng thanh xuân tuyệt vời in dấu tên nhau, chung sống mà không cần đám cưới nhưng lại để lạc mất nhau vì những lý do quá nhỏ nhặt.
Câu chuyện tình yêu càng kéo dài, càng dai dẳng thì lại càng trở nên nhạt nhẽo, chán chường nó đã quá quen thuộc. Đấy là việc những cặp đôi ấy còn chưa muốn chuyển giai đoạn từ yêu sang cưới, mới sống thử mà đã thấy tình cảm càng khác ngày đầu. Ai cũng đã từng có những kí ức tình yêu đẹp như Linh và Thoại, từng nghĩ mình có thể làm tất cả để bảo tồn được cái kí ức trong veo ấy nhưng đến khi bắt đầu chung sống, họ lại thất bại trong việc học cách nuôi dưỡng tình yêu. Cứ thế, họ tự làm tổn thương nhau, những lỗi rất nhỏ nhưng gộp nhiều lại nó lại trở thành lỗi lớn. Rồi cũng có ngày đến nhìn mặt nhau cũng là một gánh nặng đối với họ.
Nếu nhìn từ bên ngoài, người đàn ông như Trọng Thoại - không nghiện ngập, chơi bời, cả ngày vùi mặt vào đống xe cổ, chỉ biết đi làm rồi về nhà với vợ, thi thoảng mới nhậu nhẹt 1 bữa thì đúng là ông chồng đáng mơ ước. Nhưng khi bước vào cuộc sống gia đình, cái anh chồng hiền lành, ít nói, cù lần ấy thật sự lại là một thảm họa. Và cũng chính sự nhu nhược đến thuần túy của Thoại đã khiến anh đẩy vợ ngày càng rời xa mình.
Bất cứ thứ gì tồn tại trên đời này, kể cả tình yêu cũng cần được chăm sóc, vun đắp hàng ngày. Đừng lấy những kí ức tươi đẹp trong quá khứ hay sự ảo tưởng về quyền sở hữu cô gái ấy mà quên mất cần luôn trân trọng nhau. Nhưng không phải mọi sự quan tâm đều đúng đắn. Ví dụ như việc Thoại bỏ công sức nấu đến 9 món từ đậu hũ cho Linh vì cô thích hay anh gửi hẳn 1 con gà đến chỗ làm vì nghĩ nó tốt cho vợ mình lại hoàn toàn phản tác dụng. Cái sai lầm của đàn ông là đôi khi quá kiệm lời, không giao tiếp đúng cách với người bạn đời của mình, không biết họ thực sự cần gì, muốn gì mà cứ nhiệt tình làm những thứ mình đánh giá chủ quan là sẽ phù hợp với cô ấy. Các anh gọi đó là sự hi sinh, và nếu sự đáp lại có là những phản ứng khó chịu thì các anh sẽ trách móc, kể công, kể khổ. Hãy nhớ, khi bạn cho người khác thứ quý giá đến mấy mà người ta không cần thì món quà đó cũng vô giá trị.
Cái sai lầm tiếp theo của nhiều cặp đôi là họ luôn ngộ nhận "im lặng là vàng". Điều đó đúng nhưng chỉ đúng khi áp dụng đúng lúc, đúng thời điểm. Chứ như anh chàng Thoại, hiền quá, ù ì quá, lúc nào cũng để bạn gái mình phải chủ động thì chẳng khác nào mối quan hệ 1 chiều. Vậy nên, lúc người phụ nữ quá ngột ngạt và bế tắc trong sự im lặng dai dẳng, cái nguội lạnh tình cảm từ tình yêu ấy thì đừng trách sự xuất hiện của một người khác.
Giống như kẻ thứ 3 Quý Khánh đã từng nói với Trọng Thoại: "Một khi mày không đem lại hạnh phúc cho người khác, hãy để người tốt hơn làm điều đó". Phải! Người phụ nữ sẽ chỉ nhớ tới tình cũ khi cô ấy không có được hạnh phúc với tình yêu hiện tại. Và trong bất cứ cuộc hôn nhân nào, nếu nó thật sự bền chặt thì không có lý gì để kẻ thứ 3 dễ dàng chen chân. Thế nên, các ông chồng cứ yên tâm rằng, khi các anh không yêu được vợ mình, nhất định sẽ có người khác làm thay, thậm chí còn làm tốt hơn các anh rất nhiều. Bởi thực sự, thứ phụ nữ cần muôn đời vẫn là sự quan tâm và thấu hiểu. Đôi khi, đối với họ, sự sang chảnh, hào nhoáng trong xe sang lại chẳng bằng 1 người đàn ông chịu đứng dưới mưa che ô cho mình.
Tóm lại, yêu là phải chứng minh bằng hành động, nói lời không thì ai dám tin. Yêu không phải là hi sinh một cách mù quáng mà cần cùng làm cho nhau thoải mái nhất. Yêu không phải cố chịu đựng trong im lặng mà là cùng nắm tay vượt qua chính mình. Yêu không phải cố chiến thắng nhau khi xảy ra xung đột mà là giúp nhau chiến đấu với cái tôi của bản thân mỗi người. Yêu không cần cố gắng gượng ở bên nhau, cố chấp phải quên dù lòng vẫn nhớ. Hãy để mọi thứ tự nhiên, nếu cần thiết cứ rời xa nhau, để cho nhau những khoảng lặng bởi rung động thì dễ chứ tìm được người tâm đầu ý hợp lại khó vô cùng. Có những thứ phải quay lưng mà bước đi bạn mới nhận ra những điều bỏ lại đằng sau nó quý giá đến mức nào.
Trong cuộc sống, ai cũng có sự ích kỉ, một chút tham lam, một chút bạc nhược, những ước vọng lớn lao, sự mưu cầu hạnh phúc. Nhưng đã chọn là một nửa phần đời của nhau thì hãy chia sẻ chân thành, vì né tránh không phải là hàn gắn mà là hèn nhát. Trong mối quan hệ giữa 2 người, chỉ có yêu không chưa đủ mà cần cả 2 cùng nỗ lực, phấn đấu trong sự nghiệp để làm nền tảng cho nhau tương lai bởi "một túp lều tranh hai trái tim vàng" mãi mãi chỉ là lời 1 bài hát.
Cũng giống như quan điểm trong "Cua lại vợ bầu", tình yêu chẳng khác nào 1 món đồ vật mình ưa thích, hỏng thì sửa, đừng vội vứt đi, không sửa được ngay thì sửa nhiều ngày. Điều quan trọng là nó có đáng để mình bỏ tâm huyết và thời gian để sửa, để hàn gắn những tổn thương hay không.
Trên đời này không có gì là hiển nhiên, không có gì sinh ra đã tự có, mọi thứ đều cần cố gắng chăm sóc và nuôi dưỡng. Nếu thực sự trân trọng mối quan hệ ấy, bạn sẽ biết mình cần làm gì để không phải nuối tiếc.
Xin kết lại bằng lời thoại của nhân vật Trọng Thoại trong "Cua lại vợ bầu" như một lời nhắc nhở đối với tất cả chúng ta: "Anh luôn thắng mọi cuộc tranh cãi, nhưng anh đã để thua một cuộc tình... và giờ anh phải học cách lắng nghe".
- Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả -
Theo Kẹo (Helino)