Mới đây, trường hợp một sản phụ 26 tuổi, quê TP.HCM tử vong vì suy gan nặng sau 2 tháng trời uống rượu ngâm gừng để giữ ấm cơ thể khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Tử vong sau 10 ngày vàng da, 2 tháng uống rượu gừng
Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Trạng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, sản phụ T.T.T.L (26 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) nhập viện vào ngày 12.1 trong tình trạng viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân.
Cách nhập viện 10 ngày, bệnh nhân đột ngột thấy vàng mắt tăng dần, nước tiểu vàng sậm, không nôn ói, không đau bụng. Theo người nhà cho biết sau khi sanh, chị L. uống rượu ngâm gừng mỗi ngày (không rõ liều lượng) do gia đình tự ngâm.
Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi chán ăn, sau đó vàng da thêm nhiều.
9 ngày sau, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện đa khoa Củ Chi và được chẩn đoán viêm gan cấp. Do diễn tiến vàng da không giảm nên bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên.
Tại đây khi chụp CT-scan bụng, bệnh nhân được phát hiện tụ ít dịch quanh túi mật, giãn nhẹ đường mật trong gan, lách to.
Dù đã được điều trị tích cực, lọc máu liên tục, dùng thuốc vận mạch liều cao nhưng bệnh nhân lâm dần vào hôn mê sâu, thở máy qua nội khí quản, chi lạnh, vàng da.
Một tuần sau điều trị, bệnh nhân bị suy gan cấp, xuất huyết tiêu hóa trên và không qua khỏi.
Bệnh nhân tử vong vì suy gan nặng, nghi ngờ do ngộ độc rượu. Thời điểm tử vong là hậu sản 3 tháng.
Hiện nguyên nhân cái chết của sản phụ đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Hiểm họa khi dùng gừng "làm ấm"
Nhiều ý kiến cho rằng sản phụ này sai lầm trong chỉ định, rằng rượu ngâm gừng vẫn có thể sử dụng hậu sản nhưng chỉ dùng để xoa bóp.
Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết về nguyên tắc, phụ nữ sau sinh tuyệt đối không được uống rượu để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và cả đứa con mới sinh, vì đang trong thời gian cho con bú.
Kể cả dùng để thoa cũng không hiệu quả, vì rượu thấm qua da sẽ không tốt cho sản phụ. Thay vào đó chỉ nên dùng gừng tươi, giã ra và đánh trực tiếp lên da.
Cách này giúp tử cung sản phụ giãn ra, êm và có cảm giác giảm đau bụng vì đặc tính nóng của gừng. Tuy nhiên, sẽ có những nguy cơ riêng.
Cụ thể, dùng gừng hay nằm than, chườm nóng để giữ ấm cho sản phụ như cách dân gian theo bác sĩ là không cần thiết mà ngược lại có thể gây hại cho bà mẹ.
"Tôi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị sản phụ bị giãn đến đờ tử cung vì chườm nóng, nằm than, làm nóng bụng liên tục mà chỉ nằm một chỗ, không vận động. Thậm chí có trường hợp ra huyết rất nhiều, nhiễm trùng, vỡ tử cung phải đi cấp cứu. Chưa kể nằm than còn có thể gây ngộ độc khí, bỏng da.
Nhiều cụ ngày xưa cứ quan niệm đẻ xong phải làm nóng cho rút lại nhưng không phải. Con người đâu phải cây củi mà hơ cho khô" – Bác sĩ Dung phân tích.
Theo bác sĩ Dung, với đặc thù khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, điều cần nhất là sản phụ nên vệ sinh sạch sẽ để tránh bị vi khuẩn xâm nhập làm nhiễm trùng vết thương. Thường xuyên tắm rửa, đánh răng và không nằm yên một chỗ.
Ngoài chuyện dùng gừng làm ấm, bác sĩ Dung cũng chỉ ra những quan niệm sai lầm khác mà nhiều chị em đang mắc phải.
"Gần đây tôi có theo dõi nhiều người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm có tinh chất gừng. Họ quảng cáo gừng giúp đánh tan mỡ bụng, điều này là hoàn toàn sai.
Gừng ở Việt Nam rất rẻ, nếu có công dụng như vậy thì người dân chẳng ai còn mỡ bụng nữa. Thông tin này không có cơ sở khoa học, chưa được chứng minh.
Rõ ràng gừng nóng sẽ làm giãn nở mạch máu. Tác dụng lên người đang nhức mỏi có thể tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu như xoa dầu nhưng chưa chắc đã tốt" – Bác sĩ nói.
Lời khuyên của bác sĩ với sản phụ là… không nên làm gì hết. Chị em sau sinh cần giữ cho cơ thể thoải mái, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể. Không dùng rượu để uống hay thoa vì có thể gây ngộ độc cho mẹ và bé.
Nếu đau bụng thì có thể dùng thuốc giảm đau, hoặc nếu cảm thấy lạnh bụng chỉ nên dùng nước ấm, giữ ấm cơ thể bằng quần áo kín.
Theo Hoàng Lê (Helino)