Dường như những khi khó khăn, hoạn nạn mới là lúc thể hiện rõ nét nhất tình cảm mà vợ chồng dành cho nhau. Người vợ có thông cảm và thương chồng vất vả hay không, còn người chồng có vì áp lực kinh tế mà cư xử cay nghiệt với gia đình hay không? Và sau tất cả chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học về sự yêu thương và đồng cam cộng khổ.
Tư tưởng vợ đã ở nhà là phải chi tiêu thật khéo
Hùng (33 tuổi) chia sẻ anh và Linh kết hôn được 4 năm, con trai đầu lòng lên 2 tuổi. Khi dịch bệnh xảy ra, Linh bị mất việc do công ty cô cắt giảm nhân sự. Con cũng không thể đi lớp, cô đành ở nhà trông con. Bản thân anh may mắn vẫn giữ được vị trí nhưng mức lương đã giảm đi 20% so với khi trước.
"Một mình tôi đi làm nuôi cả nhà, bao nhiêu gánh nặng đổ lên vai. Kinh tế eo hẹp khiến áp lực đặt lên tôi ngày càng lớn. Bởi vì ngoài lo cho vợ con thì hàng tháng tôi còn gửi về quê biếu bố mẹ 3 triệu vì ông bà không có thu nhập", Hùng tâm sự khi bỗng dưng trở thành trụ cột kinh tế bất đắc dĩ.
Mỗi tháng anh đưa cho Linh 7 triệu, bao gồm cả tiền nhà, điện nước, gas, mạng internet... Sau khi gửi về quê 3 triệu thì số tiền Hùng còn lại trong tay cũng không nhiều, đủ anh chi tiêu cá nhân và giữ một khoản tiết kiệm phòng xa.
Dù đã đưa cho vợ nửa thu nhập nhưng luôn phải nhìn mâm cơm sơ sài, Hùng đâm chán nản. "Em không lên mạng mà xem vợ người ta thu vén chi tiêu khéo thế nào, bữa ăn cho cả nhà có 20 - 30 nghìn mà vẫn đầy đủ ngon lành. Đã ở nhà không làm ra tiền thì phải biết tiết kiệm cho chồng chứ?", Hùng lên tiếng trách vợ.
7 triệu Hùng đưa cho vợ, trả tiền nhà và những chi phí cố định kia thì còn khoảng 3 triệu để chi tiêu ăn uống. Anh tính ra mỗi ngày 100 nghìn vẫn thoải mái cho cả nhà 2 người lớn 1 con nhỏ. Và anh thất vọng khi vợ không làm được như mình mong đợi, Linh chưa đủ khéo léo và đảm đang để vun vén cho gia đình.
"Cô tiêu tiền của người khác nên không biết quý trọng phải không? Làm vợ thì phải biết thương chồng kiếm tiền vất vả chứ?", Hùng nhiều lần mắng mỏ khi chưa hết tháng mà vợ đã tiêu hết tiền anh đưa. Thấy vợ im lặng mỗi lần chồng trách móc, Hùng chỉ còn biết thở dài. Lần đầu tiên trong những năm yêu và cưới, anh tự hỏi liệu mình có lấy nhầm vợ?
Nhìn xuống chân vợ, trong lòng người chồng chỉ còn nỗi hối hận
Lần đó, còn 10 ngày nữa mới hết tháng nhưng Linh đột nhiên xin thêm tiền chi tiêu. Lý do cô đưa ra là con ốm, vừa phải đi khám và mua thuốc mất gần 1 triệu. Hùng tức tối vô cùng, anh thương con song bé ốm nhẹ thì hoàn toàn có thể chữa trị bằng các phương pháp tự nhiên, vừa tốt cho con mà tiết kiệm tiền.
Đang định mắng vợ "đã không làm ra tiền còn chỉ giỏi phá", ánh mắt Hùng chợt dừng lại ở bàn chân cô. Linh vừa đưa con đi khám bệnh về nhưng trên chân cô đi 1 đôi giày bệt đã cũ kỹ lắm rồi, thậm chí phần mũi còn bị bong ra hở hoác một khoảng. Phụ nữ luôn muốn giữ vẻ ngoài chỉn chu, Linh cũng chẳng phải người xuề xòa, cô ra ngoài với bộ dạng như vậy rõ ràng là bởi vì chẳng còn cách nào khác.
Lúc này anh mới nhớ ra lâu lắm rồi vợ chẳng mua đồ mới. Nhìn vợ như thế, Hùng nghẹn lời không thể thốt ra được câu nào thêm. Đến tối, anh cất công tìm kiếm và cuối cùng đã thấy cuốn sổ chi tiêu của vợ trong những tháng qua.
"Nhìn vợ ghi chép tỉ mỉ từng 1, 2 nghìn lẻ mà tôi lặng người. Tôi cũng phát hiện ra trong gia đình có quá nhiều thứ cần đến tiền chứ không chỉ đơn giản là tiền thuê nhà và mua đồ ăn mỗi bữa. Nào là dầu gội, sữa tắm, xà phòng, nào là đồ ăn riêng cho con, thuốc men... Tôi cũng biết khi vợ ở nhà với con, cô ấy ăn rất qua loa...", Hùng nói.
Ngay hôm sau Hùng đã đi mua cho vợ 1 đôi giày mới, anh cũng đưa hết tiền lương cho Linh chi tiêu chứ không giữ lại như trước nữa. Nhận món quà bất ngờ từ chồng mà Linh ngỡ ngàng. Thấy nụ cười nở trên môi vợ, Hùng bất giác cũng thấy vui theo. Vợ chồng hoạn nạn phải càng yêu thương nhau, từ đây anh sẽ tâm niệm điều đó chẳng bao giờ quên nữa.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)