Giá trị cốt lõi của hôn nhân chính là khi khó khăn hoạn nạn vợ chồng gắn bó cùng nhau để vượt qua mọi thử thách. Đó là điều mà bất cứ một người phụ nữ nào cũng đều mong mỏi khi bước chân đi lấy chồng.
Câu chuyện được chia sẻ trên 1 diễn đàn mạng dưới đây khiến chị em phụ nữ như được soi gương.
"Chồng em sống khá tính toán, anh chi li với cả vợ mình. Chồng người ta còn xung phong nhận trách nhiệm lo kinh tế chứ chồng em sau cưới đã tuyên bố rằng nam nữ bình quyền thì kinh tế vợ chồng phải lo như nhau. Tài chính chia đều như vậy nhưng việc nhà anh lại giao hết cho vợ. Anh ấy nói đàn ông đứng bếp hay cầm chổi quét nhà là mất thể diện. Nói chung, chồng em trẻ tuổi thật nhưng tính nết bảo thủ, gia trưởng vô cùng".
Người vợ kể, sống bên người chồng vô tâm, gia trưởng khiến cô thực sự mệt mỏi, có điều vì cuộc sống, vì con cái mà cô đành nhẫn nhịn. Tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn, khi cô càng cố gắng vun đắp, chấp nhận hi sinh cái tôi của mình vì gia đình mà chồng lại ngày càng ích kỷ, không hiểu cho vợ thì đương nhiên sẽ có lúc cô không thể nhẫn nại được hơn. Khi ấy rạn nứt hôn nhân chắc chắn sẽ xảy ra.
Cô kể tiếp: "Đợt này dịch giã căng thẳng, việc kinh doanh của công ty em bị ảnh hưởng nặng. Không may em lại nằm trong danh sách nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương vô thời hạn. Chồng em thấy vợ mất việc, anh không một lời động viên mà tỏ luôn thái độ nói rằng tại em không có năng lực mới bị sa thải. Từ hôm vợ không đi làm, anh ấy hằn học khó chịu lắm. Được tuần thứ nhất, sang tuần thứ 2, vợ giục đưa tiền cho chi tiêu anh ấy hằm mặt vào gắt: 'Cô liệu mà lo tìm việc đi, tôi không cáng đáng cô mãi được. Không thì về ngoại bảo bố mẹ cô nuôi chứ tôi chịu. Lấy phải cô như lấy nợ, mệt người'.
Thực sự lúc ấy em ức chế vô cùng nhưng cố nhịn, vẫn lo cơm nước chợ búa như mọi khi. Có điều từ hôm đó em bắt đầu chịu khó vào mạng đặt mua đồ, hôm thì em mua mỹ phẩm, hôm mua váy áo, giày dép túi xách. Quan trọng là em bấm đúng giờ chồng đi làm về để nhận hàng. Không chỉ thế, chiều qua anh ấy vừa đi làm về đã thấy shipper giao đồng hồ đeo tay cho em. Nhìn vợ rút ví thanh toán hơn 2 triệu, anh đỏ gay mặt quát vợ: 'Cô định đốt tiền của tôi hả? Cô đã ăn bám không kiếm ra tiền thì phải biết điều mà sống tiết kiệm chứ'.
Đợi giao hàng đi rồi em mới bảo: 'Anh không nhớ 2 tuần nay anh đưa được cho tôi có 2 tờ 500k à? Sổ tiết kiệm thì anh giữ, anh nghĩ tôi đốt được tiền của anh sao? Anh nên nhớ 1 điều, từ ngày lấy anh, tôi chưa bao giờ phải tiêu tiền chồng nên không có chuyện tôi ăn bám. Hiện tôi không đi làm nhưng không có nghĩa tôi không kiếm được ra tiền để nuôi sống bản thân'.
Sau khi nghỉ việc, em nhận cộng tác part time mấy chỗ, thu nhập còn cao hơn đi làm nên khi xem bảng lương trả theo tuần của vợ, chồng em im như thóc, không nói được lời nào. Em thì vẫn tiếp tục: 'Nếu anh đã nghĩ tôi là gánh nặng của anh thì từ nay chúng ta cứ ai lo cuộc sống của người ấy là được. Anh khỏi phải để ý tôi làm gì, tiêu pha ra sao. Tôi không tiêu tiền của anh đâu mà lo'.
Lúc ấy chồng em mới bắt đầu xuống giọng nhận sai với vợ".
Hầu hết mọi người đều tán thành với cách hành xử của người vợ trẻ trong câu chuyện trên. Đồng thời, qua chuyện của cô, chúng ta đều thấy được rằng khi phụ nữ tự chủ về tài chính sẽ tự chủ về cuộc sống của mình. Vậy nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đừng để mình rơi vào thế phụ thuộc phụ nữ nhé.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)