Khi chồng xem nhẹ, coi thường nhà ngoại, bất cứ người vợ nào cũng sẽ thấy bất bình trong lòng. Bởi phụ nữ kết hôn luôn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn đàn ông, họ không được ở gần chăm sóc bố mẹ đẻ. Ngược lại tất cả thời gian, tâm sức phải dồn chăm lo nhà chồng. Do vậy hơn ai hết, phụ nữ luôn mong muốn được chồng thấu hiểu, biết cùng vợ chăm lo cho bên ngoại giống như bản thân họ tận tâm với nhà nội.
Tuy nhiên anh chồng trong câu chuyện dưới đây lại sống nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa hai bên gia đình khiến vợ anh bức xúc vào mạng xã hội than thở: "Ngày yêu, chuyện tình cảm của em với chồng bị bên ngoại phản đối gay gắt lắm. Tại khi ấy chồng em lông bông, 30 tuổi không công ăn việc làm, bố mẹ em lo gả con gái cho anh sẽ vất vả nên ông bà không đồng ý. Đợt ấy em phải thuyết phục mãi 2 người mới chịu cho hai đứa lấy nhau.
Ban đầu phản đối vậy chứ khi đã là con rể rồi thì bố mẹ em quan tâm, tạo điều kiện cho con rể rất nhiều. Không chỉ cho hai đứa tiền mua nhà, ông bà còn nhờ người xin công việc tử tế cho anh ấy làm. Được nhà ngoại chăm lo cho vậy, cuộc sống của tụi em mới ổn định. Nói thật, nếu chỉ dựa vào anh ấy, chắc giờ này em vẫn sống cảnh thuê trọ là chắc.
Thế nhưng chồng em thì vẫn ghim chuyện cũ trong lòng, không thích và luôn giữ khoảng cách với bố mẹ vợ. Hễ dưới nhà em có việc là anh ấy vin lý do bận không về. Vợ mà nói thì anh sẽ sẵng giọng, cấm cáu bảo: 'Bố mẹ em coi trọng gì thằng rể này mà anh về'. Bực hơn, anh ấy không về đã đành lại cũng không muốn cho vợ về. Anh nói rằng việc nhà nội mới là việc em phải lo, con gái đi lấy chồng, không còn trách nhiệm với bên ngoại.
Tháng trước, mẹ đẻ em ốm nằm viện cả tuần. Nghe anh trai gọi điện, sốt ruột em xin chồng về với bà vài hôm nhưng anh lại giở giọng cũ, nói mẹ ốm có anh trai chị dâu chăm, không tới lượt con gái phải về. Thuyết phục không được, em cứ thế xách đồ bắt xe về quê. Chồng em cùn cú bảo vợ xác định đi thì khỏi về.
Bỏ mặc thái độ của chồng, em thẳng đường về ngoại. Sau 2 hôm im lặng, tới ngày thứ 3, anh gọi điện lại cho vợ. Ban đầu em còn nghĩ anh ấy muốn hỏi thăm mẹ em, ai ngờ vừa nhấc máy, anh đã quát ầm: 'Nếu hôm nay cô không quay về, tôi sẽ xóa tên cô khỏi sổ hộ khẩu đó'.
Em im lặng tắt máy không thèm nói lại nửa lời. Cố làm cho xong vài việc, đầu giờ chiều em bắt xe quay ngược trở lại thành phố. Nhìn vợ về, chồng em tỏ vẻ đắc ý nghĩ em đã biết sợ. Cho tới khi em đặt tờ giấy chấp nhận tiếp nhận nhân khẩu vào sổ hộ khẩu của bố mẹ em, mắt anh trợn tròn nhìn vợ. Lúc này em mới cười tươi bảo: 'Tôi với anh ra phường cắt khẩu của tôi đi. Đơn ly hôn tôi cũng viết rồi, anh ký nhanh để tôi gửi cho gọn việc'.
Bình thường có thể chồng em sẽ nghĩ vợ dỗi dằn nhưng thấy tờ giấy tiếp nhận nhân khẩu vợ xin của địa phương bên nhà ngoại thì hiểu là em đang rất nghiêm túc. Từ lúc đó chồng em im bặt không dám cà khịa thêm câu nào. Thậm chí vợ giục ra phường làm thủ tục cắt khẩu, anh đánh trống lảng về phòng nằm. Giờ nghĩ lại em vẫn thấy bực mình, từ giờ không bao giờ có chuyện em nhịn nhục nữa, cái gì ngang tai trái mắt em 'bật' luôn không ngán. Thích thì em ly hôn chứ chán cảnh sống như người vô hình lắm rồi".
Phụ nữ luôn nhẫn nhịn và hi sinh nhưng không có nghĩa họ dung túng cho sự vô tâm, ích kỷ của chồng. Mọi thứ đều có giới hạn, lòng bao dung của phụ nữ cũng vậy nên các anh chồng đừng bao giờ thử thách sức chịu đựng, lòng vị tha của vợ. Bởi dù có yêu tới mức nào mà không nhận được sự yêu thương, trân trọng từ chồng thì ai rồi cũng sẽ mệt mỏi mà buông tay. Khi ấy các anh hối hận cũng chẳng kịp nữa.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)