Cuộc đời người phụ nữ sau khi kết hôn dường như bước sang một trang mới. Có niềm hạnh phúc khi được làm mẹ, niềm vui khi có một mái ấm để trở về nhưng bên cạnh đó cũng là rất nhiều chua xót. Bởi gánh nặng trên vai người phụ nữ không hề ít ỏi, sự hi sinh mà họ cần dành cho chồng con, gia đình mình cũng chưa bao giờ là nhỏ.
Hoài (31 tuổi, TP. HCM) chia sẻ cô kết hôn đến nay được 4 năm và có một cô con gái nhỏ lên 2 tuổi.
"Vợ chồng tôi đều là người tỉnh lẻ lên thành phố học tập rồi ở lại sinh sống, làm việc. Sau mấy năm làm lụng và tích góp, chúng tôi đã mua được một căn hộ làm chỗ an cư. Dù vẫn còn nợ nần nhưng như vậy cũng khiến chúng tôi hạnh phúc lắm rồi", Hoài nói.
Cuối tuần vừa rồi Hoài đi dạo phố với đồng nghiệp và có mua 2 chiếc váy mới. Trung nhìn thấy vợ xách chiếc túi của một nhãn hiệu thời trang về thì vội giật lấy kiểm tra. Khi nhìn thấy hai chiếc váy mới vợ vừa mua, Trung lập tức mắng cô té tát:
"Bây giờ cô cũng đua đòi mua sắm hoang phí nhỉ? Tại sao phải mua liền 2 chiếc váy mới? Mà không, tại sao phải mua đồ mới trong khi tủ quần áo của cô vẫn còn rất nhiều đồ mặc được? Cô hãy cứ mặc hết những bộ đồ trong tủ đi đã, khi nào rách thì thay mới cũng chưa muộn. Tôi đã bắt cô phải mặc đồ rách bao giờ chưa?".
Hoài thẫn thờ nhìn vẻ mặt bừng bừng phẫn nộ của chồng. Trung nói tủ quần áo của cô vẫn còn nhiều đồ nhưng anh có để ý đến việc 3 năm nay Hoài chưa một lần mua đồ mới. Những chiếc váy đó chưa rách thật nhưng chúng đã cũ kỹ lắm rồi. Mặc đi làm, đối diện với con mắt nhìn ngó của đồng nghiệp, bạn bè, nhiều lúc cô cũng thấy ái ngại cho chính bản thân mình.
Hai chiếc váy cô vừa mua mỗi chiếc trị giá 400.000 đồng, không phải loại đắt đỏ gì. Hai chiếc váy mới đối với một người phụ nữ cũng chẳng phải điều gì quá đáng, phụ nữ vốn là phái đẹp mà. Có đáng bị chồng mắng té tát như Hoài không? Cô cũng đi làm kiếm ra tiền, hà cớ gì cô không thể mua váy mới cho mình?
Về phần Trung, đàn ông khá giản dị và đơn giản trong truyện trang phục. Trung không hay mua quần áo mới nhưng số tiền anh dành cho những cuộc nhậu và gặp gỡ bạn bè lại không hề ít. Hoài cảm thấy thật sự không đáng cho chính mình. Những năm qua vì để phấn đấu mua được nhà mà cô ăn chẳng dám ăn mặc chẳng dám mặc. Khoản chi tiêu nào không mang lại giá trị thật sự thiết thực, cô đều tiết kiệm hết mức có thể.
"Những lúc tôi hi sinh vì gia đình thì không thấy chồng ghi nhớ và trân trọng. Lúc tôi muốn tự thưởng cho bản thân một chút, bằng cách mua 2 chiếc váy cùng lúc thì anh ấy lập tức phát hiện ra ngay. Và ném vào mặt tôi sự bất mãn, phẫn nộ gay gắt như thế", Hoài chia sẻ.
Hoài tự hỏi hỏi cô còn phải phải hi sinh vì gia đình, bỏ qua những quyền lợi chính đáng của bản thân đến bao giờ? Thi thoảng nghe những người phụ nữ xung quanh ríu rít khoe nhau mua được chiếc váy mới là Hoài lại thấy chạnh lòng.
Suy nghĩ thông suốt, Hoài nhìn thẳng vào chồng đủng đỉnh trả lời: "Bây giờ tôi còn trẻ, còn xuân sắc, không mua váy mới mặc thì đợi đến bao giờ? Dến khi da nhăn nheo, tóc bạc đi một nửa, mắt đã chẳng còn minh mẫn ư? Lúc ấy tôi mới có thể nghĩ cho bản thân mình hay sao? Từ bây giờ tôi sẽ sống như thế đấy. Tôi không muốn bỏ quên bản thân nữa, nếu anh không thể chấp nhận được điều đó thì anh có thể tìm người phụ nữ khác đáp ứng được yêu cầu của anh!".
Trung tái mặt sau câu trả lời của vợ. Không phải anh không biết những gì Hoài hi sinh vì gia đình. Có điều người đời có câu nói "được đà lấn tới", thấy Hoài không biết đòi hỏi bất cứ điều gì, Trung cũng chẳng cần nhọc lòng suy nghĩ cho cô. Thậm chí Trung còn muốn nâng cao giới hạn, bắt Hoài phải chịu đựng và hi sinh vì gia đình nhiều hơn nữa. Song qua sự việc lần này, Trung hiểu nếu muốn gia đình êm ấm và giữ được chân vợ thì anh buộc lòng có suy nghĩ khác đi.
Câu chuyện ở đây không chỉ đơn thuần là hai chiếc váy mới, nói rộng ra là việc người phụ nữ phải biết chăm sóc và yêu thương bản thân mình. Đó là điều mà phụ nữ phải thực hiện càng sớm càng tốt, đừng để đến lúc đã phải chịu quá nhiều tổn thương, đau đớn thì mới giật mình tỉnh ngộ. Tuổi trẻ qua nhanh lắm, dù nghèo hay giàu, dù đã được thảnh thơi hay còn vất vả thì phụ nữ cũng phải biết yêu thương chính mình trong khả năng của bản thân.
Theo An Du (Pháp Luật & Bạn Đọc)