Phụ nữ đi lấy chồng không được ở bên chăm lo cho bố mẹ đẻ nên họ luôn muốn chồng mình biết quan tâm, săn sóc cho nhà vợ giống như họ tận tâm chăm sóc bố mẹ chồng. Thế nhưng không phải người chồng nào cũng tâm lý, hiểu được nỗi lòng vợ.
Mới đây, 1 cô vợ lên mạng than thở: "Bố mẹ em chỉ có duy nhất em là con gái nên em quyết lấy chồng gần để có thể chạy đi chạy lại chăm sóc họ.
Thế nhưng đúng là ở đời không thể tính trước được mọi chuyện. Em lấy chồng gần thật nhưng chồng em lại sống vô tâm, hời hợt với bố mẹ vợ lắm. Chồng em luôn nghĩ phụ nữ lấy chồng là hết. Tuy nhà chồng cách nhà đẻ chưa đầy 15km nhưng có mấy khi em được về ngoại chơi đâu. Nếu không có việc gì quan trọng thì phải 2, 3 tháng mới được về. Đặc biệt từ ngày cưới tới giờ, em chưa có đêm nào được ngủ lại nhà đẻ. Chồng em cấm tuyệt đối luôn, anh bảo em về chơi ban ngày, tối phải về ngay. Rằng con gái đã lấy chồng còn về nhà đẻ ngủ người ngoài nhìn vào sẽ đánh giá.
Nói chung tư tưởng chồng em bảo thủ lắm. Nhiều lúc nhớ nhà chỉ muốn về chơi vài ngày mà em cảm giác khó như bắc thang lên trời ấy. Lúc nào chồng em cũng yêu cầu vợ phải chăm lo cho bố mẹ anh chu đáo. Ông bà ốm tí là chồng em rối rít giục vợ mua thuốc thang, đưa đi khám, rồi mua đồ tẩm bổ. Thế nhưng bố mẹ vợ ốm, anh coi như không. Cùng lắm là mua cân hoa quả, phóng xe sang biếu ông bà, ngồi chơi 15, 20 phút là về như kiểu khách.
Cách đây 1 tuần, mẹ em bị cảm phải nhập viện truyền nước mấy hôm. Bố em một mình lọ mọ ngày nào cũng nấu nướng ở nhà rồi đạp xe mang đồ ăn vào viện cho mẹ, mà trời thì nắng như thiêu như đốt. Em xót ruột bảo chồng trông con, lo việc nhà đỡ vợ để em về chăm bố mẹ vài ba ngày. Con em cũng lớn rồi, lại vừa nghỉ hè nên cũng đỡ. Ấy thế mà vừa thấy vợ hỏi, chồng em rút ví đưa luôn cho vợ 3 triệu bảo: 'Người già lúc trái gió trở trời ốm đau là chuyện thường. Em đừng có tí tí lại viện cớ đòi về ngoại. Tí nấu nướng xong em tranh thủ mang tiền sang biếu mẹ thuốc thang tẩm bổ là được rồi. Mẹ ốm có bố chăm. Em là con gái lại đã đi lấy chồng, không tới lượt em phải lo mấy chuyện đó'.
Thật sự nghe chồng nói em ức không chịu được. Nghĩ lại bao năm mình sống tận tâm với bố mẹ chồng như vậy mà ngược lại với bố mẹ vợ, anh lại coi nhẹ, hời hợt quá người dưng. Không thể kiềm chế được, em đặt trả lại tiền vào tay chồng rồi đáp: 'Anh giữ lại tiền đi, bố mẹ em không cần tiền của anh. Cái ông bà cần là sự quan tâm săn sóc của con cái anh ạ. Anh nói không sai, phụ nữ đi lấy chồng phải lo chuyện nhà chồng nhưng như thế không có nghĩa là hết trách nhiệm, không còn liên quan tới nhà đẻ nữa.
Bản thân em lấy chồng là để có người chia sẻ với mình mọi niềm vui, nỗi buồn, lo toan gánh nặng cuộc sống. Em tận tụy vì nhà chồng, chỉ mong anh là 1 chàng rể hiền, biết chăm lo, quan tâm tới nhà vợ chứ không phải em lấy chồng là biến mất khỏi cuộc sống của bố mẹ em. Dù là đàn ông hay phụ nữ thì ai cũng có bố mẹ, cũng phải thương yêu và có trách nhiệm với người sinh ra mình anh ạ'.
Nói xong em dắt xe về ngoại luôn, vì tối hôm trước em đã nói chuyện xin phép bố mẹ chồng cả rồi nên hôm sau em đi cũng thoải mái. Còn chồng, khi ấy em chỉ nghĩ nếu anh còn giữ thói ích kỷ, bảo thủ như vậy em cũng không thiết giữ. Trước mắt em phải về lo cho bố mẹ em đã.
Song tối ấy em vừa mang cháo vào viện cho mẹ thì chồng em cũng đưa con vào thăm bà. Ngồi nói chuyện một lúc, anh đưa con về rồi dặn em cứ ở lại chăm mẹ tới khi nào bà khỏe hãy về, việc nhà có anh lo. Thấy chồng thay đổi như vậy em cũng mừng các chị ạ".
Kết hôn đồng nghĩa với việc có thêm một gia đình mới và cách đối xử công bằng giữa hai bên nội ngoại là một trong những yếu tố quan trọng tạo lên hạnh phúc gia đình. Phụ nữ đi lấy chồng vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, họ tận tâm tận lực chăm sóc cho chồng con, đổi lại họ cũng mong muốn ở chồng điều tương tự.
Hôn nhân muốn bền chặt phải có sự hợp tác qua lại giữa đôi bên. Bởi bất cứ người vợ nào vì chồng họ đều sẵn sàng hi sinh tất cả mọi thứ nhưng dù có yêu tới mấy họ cũng không dại gì mà cả đời chỉ nhắm mắt cho đi không được nhận lại. Mong rằng các anh chồng hiểu điều ấy mà ăn ở công bằng khiến vợ nể phục để họ cả đời dốc lòng chăm lo cho các anh.
Theo Hải Hương (Trí Thức Trẻ)