Vợ chồng Huyền lấy nhau năm năm, con trai ba tuổi thì chồng Huyền có bồ đã bốn năm, họ còn có với nhau một bé gái hơn con trai Huyền sáu tháng tuổi. Nay mọi chuyện vỡ lở, dù chồng nói sẽ chăm lo cho mẹ con người ta chứ không bỏ vợ, nhưng cô chán ngán và không chịu được cảnh xài chung chồng nên quyết định chia tay.
Tài sản của vợ chồng Huyền là căn hộ chung cư đang trả góp mỗi tháng, chồng cô nói anh sẽ trả lại cho cô bốn trăm triệu đồng, là số tiền cô đưa anh lúc mua nhà.
Anh ta giải thích, ban đầu khi mua nhà, Huyền góp vào bốn trăm triệu đồng, của anh ta là chín trăm triệu và mỗi tháng anh ta phải trả tiền ngân hàng. Nói là trả bốn trăm triệu đồng đó, nhưng là sẽ trả dần vì lúc này anh ta không có tiền, mà bán nhà thì anh ta sẽ ở đâu?
Nói cách khác, mẹ con Huyền ra đi với hai cái vali quần áo và thùng sữa con đang uống dở, không tiền bạc, không người thân.
Tôi bật cười trước sự tính toán của gã đàn ông đã không sạch sẽ còn ky bo với vợ con. Vợ chồng lấy nhau, lương Huyền dùng chi tiêu trong nhà, còn lương anh ta dùng trả nợ vay ngân hàng mua nhà. Thế là bây giờ anh ta nói tiền nhà do anh ta trả nên anh ta được lấy phần nhiều hơn. Anh ta không hề nghĩ tới chuyện hằng ngày ăn cơm, uống nước bằng tiền của ai.
Tôi thấy không ít cặp vợ chồng khi ly hôn, người chồng sẵn sàng để lại nhà cho vợ con, hoặc giúp vợ ổn định nơi ở. Còn chồng Huyền, miệng nói không muốn ly hôn, nhưng vợ con vừa dọn ra khỏi nhà đã rước ngay người khác vào và khi chia tài sản lại tính toán một cách ma mãnh như vậy.
Huyền cười buồn: “Đến người em còn không tiếc thì tiếc gì mấy đồng bạc”.
Huyền nói thế nhưng trong lòng cô cảm thấy gì chỉ cô biết. Tôi nói Huyền nên xem lại, người có thể không tiếc, nhưng tiền thì nhất định phải tiếc, vì cô còn phải nuôi con.
Chị em cũng cần tỉnh táo và rõ ràng. Hôn nhân tan vỡ, đa số phụ nữ là người đau đớn hơn, người mạnh mẽ thì cũng phải mất cả năm mới phục hồi được tâm trạng, người thì mấy năm sau cũng còn day dứt. Hơn thế, những đứa trẻ mới đáng thương, thiệt thòi nhất. Ở với mẹ thì thiếu cha, ở bên cha thì vắng mẹ.
Hết tình đứt nghĩa thì đường ai nấy bước là giải pháp khôn ngoan. Nhưng dù thế nào, chị em cũng phải chuẩn bị sẵn hành trang cho chuyến đi của mình, bởi con đường họ sắp đi không hề đơn giản, có khi còn có nhiều cạm bẫy chông gai hơn. Bởi lúc này chị em còn có con nhỏ với nhiều khoản chi tiêu.
Đừng vội hấp tấp hay vì sĩ diện để rồi ân hận.
Như Huyền, cô tính thuê một căn chung cư cho hai mẹ con, nhưng giá thuê tới tám triệu rưỡi một tháng, chưa kể tiền điện, nước, phí quản lý, tiền gửi xe… tính ra cũng cả chục triệu một tháng, Huyền nói không kham nổi, chưa kể còn tiền sinh hoạt, tiền gửi con đi mẫu giáo. Cuối cùng hai mẹ con cô thuê một căn phòng nhỏ trong dãy trọ gần cơ quan, gần trường học của con với giá hai triệu rưỡi, chưa tính điện nước.
Khu nhà trọ chật chội, ồn ào, người ra người vào hiếm khi được yên tĩnh. Cuối tuần người ta còn ăn uống hát hò và chửi bới cãi cọ, hai mẹ con cô cứ co rúm người, ôm nhau trong nhà. Thằng con trai Huyền bấy lâu đã quen ngủ có máy lạnh, trong không gian yên tĩnh, nay nóng nực nó không chịu nổi, ngủ cũng không ngon giấc nên gầy tọp đi, chưa kể nó còn hay cáu gắt, luôn khóc lóc và đòi về bố.
Huyền chua chát, giá mà trả con về bố để con có cuộc sống đầy đủ, cô cũng cắn răng cam chịu xa con. Nhưng bố thằng bé đã rước “mẹ con người ta” về nhà ngay hôm mẹ con cô chuyển đi. Nếu anh ta nhận nuôi con, nghĩ cảnh mẹ ghẻ con chồng, cô không yên tâm?
Giờ Huyền mới hiểu ly hôn là hết tình, nhưng tiền thì phải tính vì đó cũng là tương lai của con. Cô tìm cách nói khéo với bố thằng bé. Mình đòi lại tiền của mình để lo cho con mình, có gì mà xấu hổ?
Theo Thái Phan (Phụ Nữ TPHCM)