Lấy chồng nghèo, phụ nữ sẵn sàng cùng chồng đồng cam cộng khổ lo xây dựng tương lai. Thế nhưng lấy phải chồng vô tâm, phụ nữ sẽ thấy cuộc sống hôn nhân chẳng có chút hạnh phúc vì người đàn ông của họ không bao giờ biết quan tâm tới suy nghĩ, cảm nhận của vợ. Vậy nên, vợ chồng sống cảnh đồng sàng dị mộng là điều đáng buồn nhất đối với mỗi một cô gái bước chân đi lấy chồng.
Không may lấy phải người chồng vô tâm, gia trưởng như thế, người vợ dưới đây đã mệt mỏi lên mạng xã hội tâm sự: "Câu 'có chồng hờ hững cũng như không' thật sự quá đúng với hoàn cảnh của em lúc này.
Kể ra lại thấy chán, bố chồng em tâm lý, chiều vợ vô cùng thế mà chồng em tính tình khác hẳn, khô khan cục cằn không thừa hưởng được tí ưu điểm nào của bố. Thậm chí tới chính mẹ chồng em thi thoảng còn phải lắc đầu bảo không biết anh ấy giống tính ai mà vô tâm vô tính không chịu nổi.
Chẳng là đợt em sinh, bà lên chăm em thấy con trai cứ đi tối ngày, vợ đẻ như không. Con ốm, mình em thức đêm thức hôm chăm, bà thương con dâu, góp ý với con trai. Vậy mà anh gắt gỏng: 'Đàn bà ai chửa đẻ chẳng thế. Có phải mình vợ con sinh nở đâu mà mẹ cứ kêu than vất vả thay con dâu làm gì'.
Vợ chồng mâu thuẫn rất nhiều lần về việc anh không quan tâm chuyện nhà cửa. Tuy nhiên lần nào nói chuyện em cũng như bị dồn vào ngõ cụt vì anh luôn giữ quan điểm, đàn ông chỉ lo việc kiếm tiền, đàn bà lo bếp núc, chăm con cái.
Khổ cái, anh ấy chia việc như thể kinh tế gia đình mình anh lo. Thực tế thu nhập của anh cũng có hơn em được là mấy. Thậm chí nếu không mất thời gian lo cho gia đình mà cứ đi suốt như chồng thì em còn kiếm được gấp đôi, gấp 3 lần chồng là đằng khác. Thế mà đi làm về em phải cắm cổ vào bếp núc, chăm con. Chồng chỉ nằm khểnh nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nếu có đợt phải đi công tác, em cũng phải tự lo cách gửi con, anh tuyệt đối không quan tâm như thể em đẻ em tự nuôi, anh không liên quan.
Thứ 6 tuần trước, trên đường đi làm về em bị quệt xe, trầy xước hết đầu gối, mặt mày, tay chống xuống đường bong gân phải vào viện nắn. Tuy vết thương không nguy hiểm nhưng đau buốt vô cùng. Băng bó xong, em gọi điện về báo cho chồng biết. Cứ nghĩ anh lo lắng mà vào viện đón ai ngờ vừa nghe vợ bảo bị ngã xe, anh ta quát ầm: 'Đi đứng kiểu gì mà để người ta đâm. Xe có bị sao không? Cô đúng là chỉ phá là giỏi. Cái xe mới mua gần trăm triệu cô đi được vài ngày đã phá'.
Nói xong chồng em cúp máy. Nước mắt em chảy thành hàng ngay lúc ấy. Đau do ngã xe ít mà tủi vì sự vô tâm, phũ phàng của chồng nhiều. Lúc sau bắt taxi về tới nhà, chồng em thấy vợ tay băng bó đeo lên cổ vẫn chỉ hỏi xe đâu không thấy đi về. Em ức quá bảo: 'Anh thật quá vô tình. Vợ anh ngã trầy xước mặt mày, anh không hỏi nửa lời mà chỉ hỏi xe. Anh yên tâm, chiếc xe của anh không sao cả. Mai tôi sẽ gọi người mang trả xe cho anh. Cả đời anh ôm tiền ôm xe mà sống. Tôi sẽ ly hôn ngay hôm nay'.
Vừa nói em vừa về phòng lấy giấy viết đơn ly hôn. 1 tay vẫn đeo lên cổ, 1 tay cầm bút. Cay đắng nhưng nhất quyết không để nước mắt rơi thêm vì chồng. Lát sau đưa giấy, ban đầu chồng tưởng em dằn dỗi tới khi thấy em kiên quyết mới vớt vát bảo tại nhìn thấy người không sao nên mới hỏi xe nhưng em chẳng buồn quan tâm mà gọi xe dắt con về ngoại luôn. Từ hôm ấy tới giờ anh ta vẫn không chịu ký giấy, em bảo không ký thì em đơn phương ra tòa. Thật sự là em cảm thấy không còn chút niềm tin nào với chồng nữa".
Bất cứ một phụ nữ nào bị rơi vào tình huống như người vợ trong câu chuyện trên cũng sẽ đều thấy hụt hẫng, tủi thân với cách đối xử của anh chồng này. Bởi phụ nữ sau kết hôn chỉ mong được người đàn ông của mình yêu thương, chăm sóc cho mình những phút yêu đau, hoạn nạn. Vậy mà chồng cô lại vô tâm, thiếu lo lắng cho vợ nên đương nhiên cô thất vọng chọn cách ly hôn là điều ai cũng có thể hiểu.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)