Phụ nữ khi bước chân vào hôn nhân phải mang trên mình những gánh nặng và trọng trách nặng nề như làm vợ, làm mẹ, làm dâu… Những vất vả và hy sinh mà phụ nữ dành cho gia đình thật sự khó bề đong đếm được. Nhưng nhiều người chồng vô tâm vẫn không nhận ra điều đó, thờ ơ với bao vất vả và cả những giọt nước mắt của người phụ nữ bên cạnh mình.
Người chồng tên Hoàng (32 tuổi, Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện về sự vô tâm chính bản thân anh như sau:
“Tôi và vợ đều sinh ra và lớn lên từ những gia đình nghèo. Hai đứa thuê nhà sinh sống và làm việc trên thành phố. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng phấn đấu vì tương lai gia đình và con cái.
Tôi là đàn ông, xác định bản thân phải là trụ cột kinh tế trong nhà. Tôi bảo vợ chỉ cần làm một công việc bình thường, không cần quá vất vả và bận rộn, để có nhiều thời gian dành cho chồng con, gia đình. Nếu cả hai người đều đi tối ngày thì con cái chẳng ai chăm sóc, nhà cửa bỏ bê, lúc ấy còn mất nhiều hơn được. Vợ tôi nghe thấy hợp lý nên cũng đồng ý.
Thế rồi đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời. Công việc của tôi bận rộn, lại thường xuyên phải đi công tác, do đó tôi không có nhiều thời gian dành cho vợ con. Thú thật nhiều lúc làm việc quá áp lực và mệt mỏi, về nhà thấy vợ thảnh thơi ôm con ngồi chơi, trong lòng tôi có phần bất mãn với cô ấy.
Nhìn những người phụ nữ giỏi giang bên ngoài đủ sức cùng chồng gánh vác kinh tế mà tôi không khỏi hâm mộ. Nếu vợ tôi cũng được như vậy thì gia đình tôi chắc chắn sẽ khá hơn bây giờ rất nhiều, gánh nặng cũng không đặt hoàn toàn lên vai tôi như hiện tại.
Dù trong lòng có suy nghĩ như vậy nhưng ngoài mặt tôi cũng không thể hiện ra bất cứ điều gì. Tôi đã xác định cưới cô ấy làm vợ thì cần phải chấp nhận mọi ưu khuyết điểm của cô ấy. Hơn nữa vợ tôi chẳng làm gì sai, cô ấy vẫn chăm sóc chồng con rất chu đáo.
Hôm đó, tôi vừa kết thúc chuyến công tác trở về nhà thì mới biết vợ đang bị ốm. Khi gọi điện cô ấy chẳng nói gì với tôi cả. Nhìn cô ấy mệt mỏi bơ phờ nhưng vẫn phải bế ru con ngủ mà tôi thấy có chút mủi lòng. Đột nhiên trời lại đổ mưa, vợ hốt hoảng nhờ tôi lên sân thượng thu quần áo hộ, kẻo mưa ướt hết con lại không có quần áo thay.
Mang đồ sạch và khô xuống dưới nhà, cũng đang rảnh rỗi nên tôi tiện tay gấp và phân loại quần áo cất vào tủ. Để rồi khi chính tay mình gấp từng món đồ của vợ mà tôi không khỏi thẫn thờ đến nghẹn lòng. Đồ của con trai tôi còn được mua mới, riêng quần áo, váy vóc của vợ tôi thì đều là đồ cũ cả.
Tại sao tôi lại biết ư? Tôi kiểm tra thì phát hiện những chiếc váy thường ngày vợ mặc đi làm đều là của các nhãn hiệu khá có tiếng, với giá 2 - 3 triệu/chiếc. Cánh đồng nghiệp nữ trong công ty thường xuyên bàn tán nên tôi có biết chút ít. Chắc chắn vợ tôi không đủ tiền để mua chúng, nhìn mấy chiếc váy ấy lại chẳng còn mới, không cần nghĩ cũng dễ dàng đoán được đó là đồ cô ấy xin lại từ người khác.
Nhìn đến đồ lót của vợ thì tôi lại càng thấy thương vợ hơn bao giờ hết. Phụ nữ rất cần coi trọng đồ lót, không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nhìn tất cả đồ lót của vợ thì chẳng có món nào là mới và đắt tiền, tất cả đều đã cũ lắm rồi. Mấy chiếc áo ngực với phần quai quăn queo, phần đệm đã sờn vải, đáng lẽ vợ phải thay mới chúng từ rất lâu rồi mới phải.
4 năm kết hôn, thật sự đó là lần đầu tiên tôi gấp quần áo của cả nhà. Bình thường nhiều việc lu bù, tôi làm gì còn thời gian và tâm trí để ý đến váy áo của cô ấy. Lúc vợ chồng gần gũi, nói ra thì xấu hổ nhưng tôi cũng không có thói quen để ý đồ lót của vợ.
Sau khi cất hết quần áo của vợ con vào tủ, không hiểu sao tôi đã đỏ hoe mắt từ lúc nào. Vợ tôi đâu có sung sướng gì cơ chứ? Cô ấy thậm chí còn phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi và tủi thân nhưng chẳng bao giờ oán trách hay kể lể với tôi nửa lời. Vợ cứ âm thầm hy sinh vì gia đình và tiết kiệm vì chồng con như thế, đến mức chẳng màng tới bản thân. Vậy mà tôi lại có ý nghĩa khinh thường và coi nhẹ cô ấy. Thật sự may mắn là tôi chưa làm ra hành động gì quá đáng, nếu không tôi sẽ phải ân hận vô cùng…”.
Người chồng này chia sẻ ngay hôm sau anh đã đi mua tặng vợ một loạt đồ lót mới khiến cô vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng phải bật khóc vì vui mừng và xúc động. Sau sự việc gấp quần áo hộ vợ, anh đã thấm thía hơn nỗi vất vả, nhọc nhằn của cô. Từ đó anh biết yêu thương và trân trọng cô hơn, tình cảm vợ chồng theo đó mà ngày một gắn bó khăng khít.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)