Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm thế nào?
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, mùa hè là thời điểm có số ca mắc viêm não Nhật Bản tăng. Mặc dù tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm não Nhật Bản nhưng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
Sở dĩ nói VNNB là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi người mắc bệnh bị virus tấn công và làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong (25-35% ca bệnh). Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 68.000 ca viêm não Nhật Bản xảy ra mỗi năm.
Những triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ em và người lớn
Hầu hết người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản thường không có triệu chứng hay nếu có cũng chỉ là các triệu chứng nhẹ, tương tự các triệu chứng của bệnh cúm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1 trên 250 người mắc viêm não Nhật Bản có các triệu chứng nặng hơn khi nó lây lan đến não. Điều này thường xảy ra từ 5 đến 15 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Thời kỳ nung bệnh: Thường kéo dài từ 5-7 ngày và không có biểu hiện gì khác thường.
Thời kỳ khởi phát: Xuất hiện các triệu chứng sau:
- Viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho...).
- Sốt cao đột ngột (trên 39-40 độ C), kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán.
- Có thể có rối loạn tiêu hóa (đau bụng kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn) nhất là ở trẻ nhỏ tuổi.
- Có biểu hiện cứng gáy và tăng trương lực cơ, có thể xuất hiện lú lẫn, mất dần ý thức.
Thời kỳ toàn phát: Các dấu hiệu cũng giống ở thời kỳ khởi phát nhưng tăng mạnh, đặc biệt là các dấu hiệu thần kinh như:
- Cuồng sảng, ảo giác hoặc kích động.
- Tăng trương lực cơ làm cho trẻ bệnh nằm trong tư thế co quắp "kiểu cò súng".
- Có thể xuất hiện co giật hoặc bị bại, liệt cứng người.
- Đi vào hôn mê.
- Ngoài ra có các dấu hiệu về thần kinh thực vật tăng rõ rệt như vã mồ hôi, rối loạn vận mạch dưới da (da lúc đỏ, lúc tái), rối loạn nhịp thở và tăng tiết dịch ở hệ hô hấp.
Bước sang tuần thứ 2, các triệu chứng như sốt, triệu chứng thần kinh, tim mạch dần dần giảm (gọi là thời kỳ lui bệnh). Một số bệnh nhân sau giai đoạn này có thể bị di chứng như liệt chi hoặc liệt các dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn sự phối hợp vận động.
Viêm não Nhật Bản có thể để lại biến chứng nguy hiểm
Nếu không được chữa trị sớm, bệnh có thể có biến chứng rất nặng như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra có thể gặp một số có di chứng muộn sau một năm hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson. Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao, thường gặp ở những bệnh nhân nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, viêm phổi nặng.
Theo T.T (Helino)