Dự định kết hôn vào đầu năm 2020, N.V.H (26 tuổi, ở Quảng Ninh) được người quen tư vấn đi khám sức khỏe trước khi cưới để đảm bảo cuộc sống hôn nhân sau này. Định bụng chỉ đi khám cho yên tâm, nào ngờ, kết luận của bác sĩ đã khiến chàng trai trẻ chết lặng.
BS Thân Ngọc Tuấn - chuyên ngành Nam khoa (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) - người trực tiếp thăm khám cho H cho biết, nam bệnh nhân bị vô sinh do suy sinh dục tiên phát. Nguyên nhân là do hồi còn nhỏ, H từng mắc quai bị và có biến chứng viêm tinh hoàn dẫn đến giảm kích thước tinh hoàn, gây xơ hóa các ống sinh tinh. Hậu quả, nam thanh niên không có tinh trùng.
Hiện các bác sĩ đang tiến hành các can thiệp, điều trị chuyên sâu với hy vọng giúp chàng trai trẻ có cơ hội được làm bố và có cuộc sống hôn nhân như những người bình thường khác.
Qua trường hợp của H, các bác sĩ cho biết, khám sức khỏe trước khi kết hôn là việc làm vô cùng quan trọng. Nếu được khám sớm từ 3-6 tháng trước khi cưới, các cặp đôi có thể được phát hiện và điều trị sớm các bệnh (nếu có), nhất là những bệnh liên quan đến sinh sản về sau. Bên cạnh đó, dự phòng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cho thai nhi, chuẩn bị cho một thế hệ tương lai khỏe mạnh.
Tuy vậy, việc làm này hiện vẫn chưa được chú trọng. Thực tế, nhiều bạn trẻ luôn nghĩ rằng, bản thân mình khỏe mạnh nên thường chủ quan không đi khám sức khỏe, nhất là khi kết hôn. Hoặc có những trường hợp dù biết lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi cưới nhưng do bận nhiều việc với chuyện trọng đại cả đời nên vô tình quên.
Đến khi vợ chồng tan vỡ vì mãi không có con hoặc cay đắng vì sinh ra những đứa con dị tật, các cặp đôi mới nhận ra, mình đã "bỏ qua" một cơ hội sàng lọc vô cùng quan trọng – khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Trường hợp của đôi bạn trẻ Minh - Hương (đã đổi tên, quê Hòa Bình) là một ví dụ. Gần 2 năm trước, hai bạn yêu nhau và quyết định đến với nhau. Tuy nhiên, trước khi cưới, cả hai không hề có khái niệm khám sàng lọc để dự phòng các yếu tố nguy cơ.
Hơn một năm sau, Hương sinh con gái đầu lòng. Tuy nhiên, dù đã bước sang tháng thứ 8, con gái của đôi vợ chồng trẻ mới chỉ đạt gần 6 kg, người gầy quắt queo, lại thường hay quấy khóc liên miên.
Vay mượn tiền anh em họ hàng đưa con đi khám, đôi vợ chồng trẻ sững người khi biết con bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Khi ấy, bác sĩ yêu cầu bố mẹ xét nghiệm sàng lọc thì mới vỡ lẽ, cả hai vợ chồng đều mang gene bệnh và đã di truyền sang cho con.
Giờ đây, nhìn con còi cọc, hàng tháng phải lặn lội xuống Hà Nội truyền máu, thải sắt để duy trì sự sống, đôi vợ chồng trẻ mới thấy nỗi ân hận muộn màng mang tên: Giá như…
Theo các chuyên gia, ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc vì nó mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng mà còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai.
Việc khám sức khỏe trước hôn nhân không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình. Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm.
Đồng thời, tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản. Bên cạnh đó, có thể phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân như thế nào?
Khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như: Viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục...
Thông thường, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe:
- Kiểm tra sức khỏe chung: Mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng…
- Khám bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Lậu, giang mai, hạ cam mềm, viên gan siêu vi B, sùi mào gà, nấm…
- Xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng: Đã mắc các bệnh nào trước đây, đã có những phẫu thuật nào, tim mạch, mắc bệnh truyền nhiễm, môi trường làm việc có tiếp xúc chất độc hại, các tai nạn, thương tích…
- Bệnh sử gia đình, bệnh về rối loạn tâm thần: Người thân trong gia đình mắc những bệnh gì? Cao huyết áp, tim mạch…
- Bệnh di truyền như: Hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu, tan máu bẩm sinh (thalassemia)…
- Bệnh truyền nhiễm: Bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, bệnh cúm, viêm não, bệnh lao, dịch tả, tiêu chảy…
Theo Mai Thùy (Giadinh.net.vn)