Nước rất cần thiết cho F0 cải thiện sức khỏe
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, cho biết người mắc Covid-19 cần uống nhiều nước, tốt nhất nên uống nhiều lần trong ngày để giữ ẩm cho cổ họng. Tăng cường dùng thêm thuốc nâng cao sức đề kháng, vitamin.
Chị Hồ Thị Thu Vân – Quận 1, TP.HCM cho biết những ngày cả gia đình mắc Covid-19 thì chị Vân luôn đặt sẵn các chai nước để các thành viên có thể với tay uống nước bất cứ lúc nào. Những người bị sốt vô cùng háo nước, nếu không được bổ sung nước sẽ rất dễ dẫn đến mất nước.
Chị Vân chỉ lấy ví dụ cháu chị 6 tuổi, sau khi sốt chị đưa ly nước mà đứa trẻ 6 tuổi uống hết mới thấy người bệnh háo nước như thế nào.
BS. Trần Thị Ngọc Châu - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 cho rằng, phần lớn bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện triệu chứng. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện sốt, ho, giảm hoặc mất khứu giác, đau họng, khó thở…
Biểu hiện sốt khá phổ biến trong nhóm các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng. Khi sốt, người bệnh sẽ được khuyên uống nước nhiều hơn để bù lại lượng nước cơ thể bị mất do sốt. Ngoài sốt, các triệu chứng có thể gây mất nước ở người bệnh Covid-19 còn có tiêu chảy, vã mồ hôi, nôn ói, thở nhanh…tất cả đều cần bổ sung nước.
Những dấu hiệu cần bổ sung nước ngay đó là da khô, khô miệng, khô môi, cảm giác khát nước, lượng nước tiểu ít, giảm số lần đi tiểu, màu sắc của nước tiểu vàng sậm, mùi nồng... thì cần bổ sung nước nhanh chóng.
BS Châu cho biết, nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể. Theo khuyến nghị nhu cầu nước của cơ thể người là 30-40ml/kg. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đưa ra khuyến nghị trung bình 1 người trưởng thành nên uống 8 ly nước (với thể tích ~250ml/ ly), tức là khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, nhu cầu nước còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, nhiệt độ môi trường sống, cường độ vận động hàng ngày, tình trạng bệnh lý...
Khi bị mất nước khoảng 1-2% trọng lượng cơ thể: ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý và cảm xúc, giảm khả năng vận động.
Mất nước khoảng 4% trọng lượng cơ thể: gây đau đầu, vật vã kích thích, mất ngủ, tăng nhịp thở…
Mất nước nặng, khoảng 10% trọng lượng cơ thể: có thể gây tử vong.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều thông tin lan truyền rộng rãi, rằng cách uống nhiều nước giúp phòng ngừa Covid-19. Một số người tin rằng uống 1 cốc nước mỗi 15-20 phút là cách hữu hiệu để "rửa trôi" SARS-CoV-2 xuống dạ dày để cho acid trong dạ dày tiêu diệt virus.
Trên thực tế, virus xâm nhập cơ thể qua đường thở, khi bạn hít phải các giọt bắn chứa virus từ người bệnh. Cách uống nước như trên, hoàn toàn không ngăn ngừa được virus xâm nhập. Uống nhiều nước còn gây ra tình trạng thừa nước có thể dẫn đến quá tải dịch, tạo thêm áp lực cho tim và thận, gây hạ Natri máu, mất cân bằng nước - điện giải của cơ thể.
Vì vậy, phải luôn nhớ uống đủ nước.
Dinh dưỡng - đòn bẩy vượt qua bệnh tật
BS Lê Thị Mỹ Châu, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, TP HCM cho biết, chế độ ăn cho người mắc Covid-19 là "đòn bẩy" giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng. Đối với bệnh nhân có thể tự ăn uống được thì khẩu phần ăn sẽ chú trọng những thực phẩm giúp làm tăng sức đề kháng của cơ thể (các loại vitamin C, kẽm, chất đạm).
Riêng với những bệnh nhân mắc bệnh nền thì phải tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng của bệnh nền đó.
Với những người bị rối loạn chuyển hóa mắc bệnh đái tháo đường sẽ phải giảm các chất bột đường hoặc giảm muối đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp. Trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nền thì phải dựa vào chỉ số BMI kèm theo những xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chế độ ăn cụ thể phù hợp.
Một số người nhiễm Covid-19 có triệu chứng mất vị giác, khứu giác nhưng BS Châu cho rằng không nên chỉ vì những triệu chứng này mà từ chối bữa ăn vì như vậy sẽ không đủ năng lượng cung cấp cho những hoạt động của cơ thể.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)