Phản ứng thường gặp sau tiêm
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay sau tiêm vaccine phòng Covid-19 người cao tuổi có thể gặp những triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn.
Thông thường các phản ứng sau tiêm vaccine sẽ xuất hiện sau 6-12 giờ. Người cao tuổi sẽ có cảm giác hơn mệt mỏi, nhức đầu nhẹ, sốt (tới nhẹ tới cao).
"Tất cả các triệu chứng xuất hiện sau tiêm kể trên có thể theo dõi tại nhà. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những cơ sở tiếp nhận tiêm vaccine cho người cao tuổi, sau tiêm xong thường sẽ có đường dây nóng để hỗ trợ mọi người sau tiêm", bác sĩ Thanh nói.
Đối với các phản ứng thông thường như sốt, đau mỏi, mệt xuất hiện sau tiêm, bác sĩ Thanh cũng có một số lưu ý cụ thể như sau: Nếu mệt mỏi sau tiêm người cao tuổi không nên tập luyện; Không làm các việc nặng, giảm bớt cường độ tập luyện thể thao; Không làm những việc đột xuất, ví dụ như đi ra ngoài trời khi đang thay đổi thời tiết…
PGS Thanh cho biết: "Một điều rất quan trọng đối với người cao tuổi cần phải nhớ sau tiêm đó là uống đủ nước. Vì người cao tuổi thường quên uống nước do không có cảm giác khát. Do vậy, nếu người cao tuổi đợi khát mới uống nước sẽ dễ rơi vào tình trạng mất nước.
Trong trường hợp người cao tuổi sau tiêm kèm sốt sẽ mất và thiếu nước, nếu không uống đủ nước thì mất nước sẽ càng nghiêm trọng. Do vậy, người cao tuổi nên chủ động uống nhiều nước, nước hoa quả, sữa… Một số loại nước cần tránh uống như trà đặc sẽ làm nhịp tim tăng lên gây thổn thức khó chịu".
Bác sĩ Thanh cho biết thêm sau tiêm phản ứng sốt là rất thông thường. Nếu sốt 38 độ thì không cần dùng thuốc. Trường hợp sốt trên 38 độ có thể chườm mát; sốt trên 38,5 độ có thể uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 500 mg (1 -2 viên/lần) và 4-6 tiếng nếu còn sốt có thể uống lại.
Dấu hiệu bất thường sau tiêm cần tới viện
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh lưu ý sau tiêm mọi người sẽ được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút để theo dõi các phản ứng xuất hiện sớm. Phản ứng đáng lo ngại nhất sau tiêm đó chính là sốc phản vệ.
Tuy nhiên, trường hợp gặp sốc phản vệ ở người cao tuổi tỷ lệ rất thấp. Các trường hợp gặp sốc phản vệ thường xảy ra ở người cơ địa dị ứng. Do vậy, với người có tiền sử dị ứng với bất cứ loại gì trước đó, thời tiết, thức ăn, mỹ phẩm… khi tiêm cần khai đầy đủ với bác sĩ. Đối với các trường hợp này bác sĩ sẽ khám sàng lọc kỹ và chuẩn bị các phương án xử lý nếu xảy ra sau 30 theo dõi tại điểm tiêm.
"Các phản ứng nặng thường xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm vaccine. Các phản ứng nghiêm trọng sẽ gặp ít hơn khi theo dõi tại nhà.
Một số phản ứng ít nghiêm trọng hơn có thể gặp đó là các phản ứng trên da: nổi mẩn, sưng đau tại vị trí tiêm. Tuyệt đối không chườm, đắp có thể gây nhiễm trùng. Các triệu chứng này sẽ hết sau từ 2-3 ngày.
Nếu trường hợp có ngứa nhiều nên gọi điện tư vấn bác sĩ để được kê thuốc bôi trên da để dịu phản ứng ở điểm tiêm", PGS Thanh lưu ý.
Theo bác sĩ Thanh, một số phản ứng nguy cấp khác có thể gặp đối với người cao tuổi nhưng không có liên quan tới vaccine. Ở một số người có bệnh lý tiềm ẩn trước đó, tiêm vaccine có thể là một yếu tố thúc đẩy, kích thích.
Ví dụ, người cao tuổi có đái tháo đường, lo lắng quá ăn nhiều, uống nhiều nước có đường cao gây tăng đường huyết khiến cho mệt mỏi hơn. Hay có trường hợp tự nghĩ sau tiêm vaccine huyết áp tăng lên đã uống dự phòng thuốc tăng huyết áp. Việc tự uống thuốc này có thể gây ra phản ứng tụt huyết áp rất nguy hiểm.
PGS Thanh lưu ý thêm: "Nếu sau tiêm vaccine thấy xuất hiện triệu chứng đau thắt ngực bên trái tồn tại dai dẳng đã uống thuốc điều trị không thuyên giảm, đau đầu kéo dài dùng thuốc giảm đau không hiệu quả và có thêm các triệu chứng tê bì, tay chân.... cần phải nhanh chóng được đưa tới các cơ sở y tế để loại trừ các triệu chứng cấp tính nguy hiểm tới tính mạng".
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)