Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, dù số lượng và thời gian tiếp nhận vắc xin phụ thuộc nhà cung cấp, nhưng ngành Y tế đang chủ động chuẩn bị cả nhân lực và tổ chức để triển khai tiêm khi vắc xin về đến Việt Nam. Ông cho biết, do đang trong quá trình xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ nên chưa có những quy định cụ thể về tiêm vắc xin cho vị thành niên.
Dự kiến khi triển khai, có thể sẽ tiêm cho lứa tuổi 16-17, sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn, vì quá trình triển khai tiêm, các chuyên gia và Bộ Y tế vẫn tiếp tục xem xét về an toàn của vắc xin khi tiêm cho trẻ.
Theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết, khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, nhân viên y tế sẽ theo dõi giống như tiêm các vắc xin phòng bệnh khác (sởi, viêm não, cúm mùa…) với các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.
"Với vắc xin Pfizer, liều tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi đang được hoàn thiện hồ sơ và dự kiến sẽ thấp hơn so với liều tiêm cho người lớn", ông Thái cho biết.
"Hồi đầu mới tiêm vắc xin phòng COVID-19, người dân được phát tờ theo dõi 7-18 ngày sau tiêm thì với trẻ em cũng vậy. Hiện tại, một số quốc gia ở châu Âu sau một thời gian cho tiêm vắc xin Moderna đã lại thu hồi, không cho tiêm nữa, nhưng một số nước vẫn dùng.
Nhiều nước hiện tại chỉ dùng vắc xin Pfizer cho trẻ em. Sắp tới có thể có vắc xin Abdala và một vắc xin khác cũng của Cuba đã được cấp phép khẩn cấp dùng cho trẻ em ở Cuba.
Hiện tại, Việt Nam chưa phê duyệt những vắc xin này cho trẻ em. Với những vắc xin khác theo dõi chặt thế nào thì vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ con cũng chặt như thế, thậm chí chặt hơn", bác sĩ Thái nói.
Bộ Y tế đã đàm phán với Công ty Pfizer (Mỹ) và thỏa thuận mua 20 triệu liều vắc xin dành cho trẻ 12-17 tuổi. Hiện các thủ tục để nhập khẩu lô vắc xin này như giấy phép khẩn cấp bổ sung, văn bản của Chính phủ cho phép mua sắm trong điều kiện đặc biệt… đều đã sẵn sàng. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi 12-17.
Theo bác sĩ Thái, tiêm chủng có nhiều hình thức, nhưng nếu triển khai theo chiến dịch, sẽ không thực hiện tại bệnh viện mà tại trạm y tế xã, phường, trường học.
"Trẻ em không có vấn đề bệnh lý gì nặng nề cần phải tiêm ở bệnh viện", ông nói.
Theo ông, mới đây có báo cáo nghiên cứu ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em dù rất hiếm gặp. Trẻ em thường hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn.
Nếu có những hành động quá sức như chạy nhảy…, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng nhiều. Do đó, đây cũng là phản ứng cần được theo dõi, nhận biết sớm sau tiêm.
Có thể cho học sinh đến trường
Liên quan việc học sinh chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể trở lại trường học hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định: "Khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân, có thể cho trẻ đi học. Việc này vẫn tiềm ẩn rủi ro nên cần có quy định chặt chẽ về phòng chống dịch cho giáo viên, cha mẹ...".
Theo ông, có thể cho học sinh đi học trở lại khi các em đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bất kỳ gia đình nào có thành viên bị sốt, ho, khó thở thì trẻ đều phải nghỉ học, khai báo y tế, khai báo với nhà trường.
"Khi đến trường, cần hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp với nhau, để nếu chẳng may phát hiện một trường hợp F0 thì chỉ giới hạn trong lớp đó. Việc đo thân nhiệt cho trẻ cần thực hiện nhưng không để ùn ứ ở cổng trường", ông Phu nói.
Bác sĩ Thái cho rằng, lúc này cho học sinh đến trường là có rủi ro nhưng không thể để trẻ ở nhà học trực tuyến mãi.
"Chúng ta chấp nhận khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt", ông nói. Theo ông, việc cho trẻ con đi học trở lại liên quan kiểm soát dịch ở địa phương.
"Theo tôi, Hà Nội có thể cho đi học trở lại được nhưng phải có sự giám sát. Ví dụ như bất ngờ có ổ dịch nhỏ bung ra ở khu vực nào đó thì kiểm soát phải rất chặt để ngăn chặn tại cộng đồng", bác sĩ Thái nói.
Theo Thái Hà (Tiền Phong)