Vì sao trẻ không nghe lời?

24/12/2020 20:48:41

Trong một giai đoạn nào đó, con bạn bỗng nhiên không nghe lời, phản kháng với mọi đề nghị của cha mẹ. Sự "đối đầu" đó ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến không ít phụ huynh bế tắc dù "hồi nhỏ con rất ngoan".

Trẻ con rốt cuộc vẫn là trẻ con, khả năng chịu đựng áp lực tâm lý chưa cao, việc ép buộc trẻ làm gì đó không những không giúp ích gì cho chúng mà ngược lại sẽ khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của chúng. Trẻ biết nghe lời chưa chắc đã là điều tốt, trẻ không nghe lời chắc chắn là có nguyên nhân. Rốt cuộc là vì sao? Giải quyết thế nào? Gặp phải tình huống này, rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng không yên. Cha mẹ cần hiểu tâm lý của trẻ, dùng những biện pháp, lời nói thích hợp, dần dần tìm hiểu và đồng cảm với suy nghĩ của trẻ.

Vì sao trẻ không nghe lời?
Ảnh minh họa

Trẻ chưa ý thức được điều đúng sai, phải trái:

Ở trẻ nhỏ, trẻ chưa thể có khả năng ý thức được, bao quát được những việc gì cần làm, việc gì chưa cần làm.

Hầu hết những việc bố mẹ sai trẻ làm là vì bố mẹ cần làm mà sai con làm, và khi con làm là con làm một cách hoàn toàn thụ động. Vậy nên khi trẻ nhỏ không làm ngay, mà thường hay trì hoãn, những gì bố mẹ yêu cầu thì bố mẹ nên hiểu rằng thực ra không phải là trẻ cố tình làm bố mẹ bực mình mà chỉ đơn giản là: (1) trẻ đang tập trung chú ý vào thứ trẻ đang thích, đang làm: (2) trẻ chưa ý thức được là cần phải làm ngay những việc bố mẹ yêu cầu dù mình không muốn; (3) Trẻ chưa có thói quen là phải tuân theo những quy định, kỷ luật trong gia đình. Chưa có ý thức chủ động trong những việc cần phải làm.

Muốn chứng tỏ khả năng độc lập, khả năng tự quyết của mình.

Trẻ ở mọi lứa tuổi đều có nhu cầu được công nhận khả năng độc lập, tự quyết của mình dưới mọi hình thức khác nhau. Trẻ lên hai đã bắt đầu biết nói "không" với bố mẹ, biết làm ngược lại những gì bố mẹ bảo bé làm "Cho em búp bê mặc váy xanh nhé? – Không, búp bê mặc váy hồng cơ".

Trẻ lên năm càng nhảy trên giường nhiều hơn nếu được bảo là thôi không nhảy nữa. Trẻ học cấp I, cấp II, cấp III đều luôn có xu hướng muốn được người lớn công nhận khả năng độc lập của mình, muốn được mọi người thấy là "mình có thể tự làm được, không cần người lớn phải sai bảo", cho nên ở trẻ lớn việc cãi lại bố mẹ, lý sự để đạt được những gì mình muốn, ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi, chơi bời với bạn bè xấu…. là rất phổ biến và là nỗi lo lắng, đau đầu của các bậc cha mẹ.

Việc trẻ nói không, và làm ngược lại với những gì được bảo làm chính là một trong những mốc phát triển của trẻ, là khả năng khẳng định bản thân mà mọi lứa tuổi đều cần phải có.

Trẻ thử, kiểm nghiệm các phản ứng của người lớn:

Không nghe lời, cãi lại, làm ngược lại là một phản ứng của trẻ với các động thái của người lớn: Trẻ hiểu mọi điều từ khi còn nhỏ, trẻ biết "test" khả năng phản ứng của người lớn với các yêu cầu, các mong muốn của trẻ.

Do vậy, đối diện với một đứa trẻ "không chịu nghe lời", cha mẹ cần hết sức bình tĩnh. Khi không nổi nóng, bạn sẽ có cách nói giúp con dễ chấp nhận và từ đó hiểu vấn đề, nghe lời hơn. Hãy thử với 11 cách nói sau:

1. Hãy nói: 'Con cần nhớ điều gì?', thay vì 'cẩn thận nào' hoặc 'đừng làm như thế'

2. Hãy nói: 'Con làm ơn nói nhẹ nhàng', thay vì 'yên nào' hoặc 'đừng hét lên như thế'

3. Hãy nói: 'Bài học rút ra từ lỗi lầm của con là gì?', thay vì 'thật đáng xấu hổ' hay 'con nhẽ ra phải là một đứa trẻ thông minh hơn'

4. Hãy nói: 'Làm ơn...', thay vì 'dừng lại' hoặc 'đừng làm thế'

5. Hãy nói: 'Chúng ta đang bị muộn, cần phải di chuyển nhanh hơn thôi', thay vì 'chúng ta đang muộn rồi' hoặc 'nhanh lên ngay'.

6. Hãy nói: 'Chúng ta cho thêm món đồ chơi này vào danh sách quà sinh nhật nhé?', thay vì 'không, chúng ta không thể mua cái đó' hoặc 'cái này không cần thiết'

7. Hãy nói: 'Dừng lại nào. Giờ con hãy nói cho mẹ biết con muốn gì', thay vì 'đừng lèo nhèo'

8. Hãy nói: 'Con phải tôn trọng bản thân và người khác quanh mình', thay vì 'ngoan nào' hoặc 'đừng hỗn láo'

9. Hãy nói: 'Mẹ cần con...', thay vì 'dừng lại' hoặc 'sao con cứ làm như vậy nhỉ?'

10. Hãy nói: 'Không sao cả, con cứ khóc đi', thay vì 'đừng trẻ con thế' hoặc 'sao lại khóc?'

11. Hãy nói: 'Mẹ luôn yêu con, dù bất cứ chuyện gì xảy ra', thay vì 'mẹ sẽ không yêu con nếu con không làm việc này' hay 'chẳng ai muốn yêu thương một đứa trẻ không vâng lời như con cả'.

Phương Nghi (t/h)

Vì sao trẻ không nghe lời? - 1
Caption

Tuýp nàng dâu mẹ chồng nào cũng mê

 

Nổi bật