Nhóm các nhà khoa học ĐH London và một số trường ĐH liên kết từ Mỹ, Canada đã tìm ra căn nguyên khiến tế bào ung thư sinh sôi bất thường. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature Biology.
“Các tế bào ung thư không sống một mình - khối u là cộng đồng rất phức tạp của nhiều loại tế bào, ảnh hưởng lẫn nhau”, GS Karen Vousden, trưởng nhóm nghiên cứu ung thư tại Anh cho hay.
Các nhà khoa học kiểm tra sức mạnh di chuyển của tế bào ung thư với tế bào khoẻ mạnh thông qua một thiết bị mô phỏng thành mạch máu. Độ biến dạng của thiết bị là thước đo lực đẩy của tế bào.
Kết quả cho thấy các tế bào ung thư vú có lực đẩy lớn gấp 200 lần các tế bào khỏe mạnh.
TS Joseph Ndieyira, ĐH London giải thích thêm, cả tế bào ung thư và tế bào khoẻ mạnh đều có các thụ thể giống hệt nhau trên bề mặt, tuy nhiên các tế bào ung thư có số lượng thụ thể nhiều hơn hẳn.
“Chúng tôi phát hiện tế bào ung thư tận dụng một số lượng lớn thụ thể giúp chúng tập hợp lại với nhau thành một mạng lưới bám chắc vào các thành mạch và động mạch. Khi 2 hoặc nhiều tế bào ung thư liên kết với nhau, chúng có xu hướng tách giãn, làm mỏng và suy yếu màng tế bào thành mạch nơi chúng bám vào”, TS Joseph cho hay.
Đặc biệt, các tế bào ung thư có thể nhận dạng lẫn nhau và tự phân biệt với tế bào lành tính. Chúng phát ra tín hiệu, tạo thành mạng lưới tế bào liên tục như dòng xe trên đường cao tốc.
Điều này tạo ra một lực cơ học mạnh, cho phép tế bào ung thư có thể đâm xuyên qua thành mạch máu vào các mô xung quanh. Từ đó các tế bào ác tính dễ dàng di cư đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể bất kể môi trường.
Các nhà khoa học kỳ vọng, việc hiểu rõ cơ chế liên kết cơ học vật lý của tế bào ung thư cũng như khả năng di chuyển của chúng rồi tìm cách “khoá” các thụ thể bề mặt có thể làm giảm lực đẩy của tế bào ác tính trong mạch máu, giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa ung thư lan rộng.
Theo Minh Anh (VietNamNet)