Bát canh rau muống sẽ ngon hơn nếu được vắt chanh vào, khi đó sẽ thấy hiện tượng nước từ màu xanh chuyển màu đỏ. Lý giải về hiện tượng này, VnExpress dẫn lời chuyên gia Nguyễn Đức Phường (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết trong nước rau muống có chứa một lượng kiềm Ca(OH)2, chất diệp lục phản ứng như chất chỉ thị màu.
Trong khi nước chanh chứa lượng axit hữu cơ yếu là axit citric khá cao lên đến 8% khối lượng khô trong quả, nên khi vắt chanh sẽ làm thay đổi độ axit của nước rau. Điều này khiến cho màu của nước rau muống chuyển từ xanh sang vàng hoặc đỏ, tùy theo nồng độ axit.
Chuyên gia này cảnh báo, với rau muống bị phun thuốc trừ sâu hoặc tăng trưởng, những hóa chất độc hại tồn dư trong thân, lá rau sẽ làm cho nước rau không chuyển màu, nếu có cũng không đáng kể khi vắt chanh vào. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết rau có sạch hay không.
Tác dụng của rau muống với sức khỏe
- Rau muống là lựa chọn phù hợp cho những ai muốn giảm cân và lượng cholesterol tự nhiên. Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột đã chứng minh rau muống còn giúp hạn chế triglycoside (chỉ số mỡ máu).
- Rau muống được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ để điều trị vàng da và các vấn đề về gan.
- Một nghiên cứu chứng minh rằng loại rau này giúp chống lại các hóa chất gây hại và quá trình oxy hóa nhờ enzym giải độc, đồng thời loại bỏ các gốc tự do.
- Sắt là khoáng chất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là các tế bào máu đỏ. Vì vậy, hàm lượng sắt cao trong lá rau muống rất có lợi cho những người bị thiếu máu cũng như phụ nữ mang thai.
- Các nghiên cứu chứng minh rằng ăn rau muống thường xuyên kích thích phát triển các chất đề kháng chống lại bệnh tiểu đường. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để điều trị đái tháo đường ở phụ nữ mang thai.
- Rau muống chứa nhiều dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, C và beta-carotene. Chúng đóng vai trò quan trọng, giúp làm giảm các gốc tự do, chống oxy hóa cholesterol.
- Bên cạnh đó, folate trong rau muống giúp chuyển đổi homocysteine, loại hóa chất ở mức độ cao có khả năng gây đau tim hoặc đột quỵ.
- Khoáng chất magiê trong rau muống giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim.
- Rau muống bao gồm 13 hợp chất chống oxy hóa khác nhau, thích hợp để phòng ngừa ung thư (trực tràng, dạ dày, vú, da).
- Các chất này có tác dụng loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể, giúp thay đổi điều kiện sinh sôi của các tế bào ung thư và tăng cường môi trường tế bào tự nhiên.
Những người không nên ăn rau muống
Người đang có vết thương: Với những người đang có vết thương trên da không nên ăn rau muống bởi chúng kích thích sinh tế bào gây sẹo, làm xấu da. Thậm chí, sẽ khiến cho chỗ da mới mọc bị ngứa nhiều hơn. Vì thế, chỉ nên ăn rau muống khi vết thương đã khỏe hẳn, da đã lành lại mà thôi.
Người mắc bệnh gout, sỏi thận: Những người mắc chứng gout, viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi thận, người huyết áp cao không nên ăn rau muống. Do đó, khi thấy có những biểu hiện khác thường sau khi ăn rau muống, bạn cần ngưng lại ngay.
Người mắc bệnh viêm khớp: Nếu bạn gặp tình trạng thường xuyên đau nhức xương khớp thì không nên bổ sung rau muống vào thực đơn hàng ngày. Những dưỡng chất trong loại rau này có thể khiến cơn đau nhức trầm trọng hơn, người mắc bệnh càng khó chịu, mệt mỏi.
Người hệ tiêu hóa yếu: Ký sinh trùng sán lá tên Fasciolopsis buski thường có trong rau muống có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu bạn ăn rau sống hoặc nấu chưa chín. Với những người có hệ tiêu hóa yếu, loại ký sinh trùng này có thể gây ra các triệu chứng khó tiêu, đau bụng, dị ứng.
Người đang uống thuốc: Nếu bạn đang trong quá trình điều trị bệnh hoặc bồi bổ cơ thể bằng thuốc Đông y thi không nên ăn rau muống. Những dưỡng chất trong loại thực phẩm này có thể làm mất tác dụng, hiệu quả của thuốc khiến bệnh lâu khỏi.
PN (SHTT)