Chồng chiều nhưng vợ vẫn không nghe lời?!
Người chồng này cho biết: "Tôi kết hôn được gần 6 năm, có một bé 5 tuổi. Vợ tôi 25 tuổi, còn tôi 32 tuổi. Tính tình vợ tôi là người không kiên nhẫn, nóng nảy, hơi tý là giận dỗi, khóc lóc. Còn tôi thì gần như ngược lại, luôn nhẫn nại và nhường nhịn. Mỗi lần vợ chồng giận nhau, tôi luôn là người lên tiếng làm hòa để không khí khỏi căng thẳng. Một lần tôi phát hiện nhắn tin với người yêu cũ. Vợ tôi nói rằng, đó là nhắn tin trêu đùa nhau. Vợ tôi cũng xin lỗi và sẽ không như vậy nữa nên tôi đã bỏ qua. Tôi nghĩ rằng, vợ chồng sống với nhau mà suốt ngày giận dỗi thì hết sức mệt mỏi nên thường cho qua mọi lỗi lầm.
Tôi rất thoải mái cho vợ đi chơi cùng bạn bè, không cấm đoán, vợ thích gì là tôi chiều cái đó. Tôi làm vậy là bởi nghĩ một cách hết sức đơn giản rằng, vợ mình là phụ nữ đã phải chịu nhiều thiệt thòi nên cần được bù đắp về mặt tình cảm nhiều hơn. Hơn nữa tôi cũng rất nể bố mẹ vợ. Ông bà đã chăm con cho vợ chồng tôi yên tâm làm việc. Bố mẹ đẻ tôi yếu nên không thể giúp được việc này.
Tuy nhiên có một việc làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Vợ chồng tôi sống với bố mẹ nhưng gần như chẳng khi nào con dâu ngồi ăn với mẹ chồng. Tôi rất buồn khi mẹ nói: "H nó có muốn ngồi ăn cùng mẹ đâu". Mẹ tôi tai biến và cũng nhiều tuổi rồi. Việc chăm sóc mẹ chủ yếu là do chị gái lo chứ vợ tôi cũng không phải trông nom. Tôi cũng chỉ mong mẹ vui vẻ quãng thời gian cuối đời còn lại. Nhưng tôi cảm thấy rất buồn vì mối quan hệ giữa vợ và mẹ không được tốt. Tôi nhiều lần giải thích cho vợ rằng, mẹ bệnh tật đừng có chấp mẹ làm gì, vui vẻ hỏi han mẹ. Thế nhưng, những điều tôi góp ý với vợ dường như vô nghĩa. Tôi cứ yêu chiều nhường nhịn vợ như thế này có phải là đã quá nhu nhược không? Tôi có nên tiếp tục sống với người vợ như thế - một người nóng nảy, hay dỗi, không chịu nhường nhịn ai và có tính gia trưởng của đàn ông?".
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088, trên thực tế, đàn ông luôn băn khoăn và lo sợ mình là người đàn ông nhu nhược trước các bà vợ. Chính vì nỗi ám ảnh này mà không ít người, vì quá lo sợ mình rơi vào hoàn cảnh đó nên họ đã cố tình tỏ ra mình là người uy quyền trong gia đình. Mặc dù trong lòng họ luôn lo lắng và yêu thương vợ, nhưng vì sợ vợ "lướt quyền làm chồng" nên họ đã cố tình thể hiện uy quyền bằng những hình thức hết sức tiêu cực như: Mắng mỏ, chửi bới, bạo hành…
Về trường hợp cụ thể của người chồng trên, qua những điều mà người chồng tâm sự thì thấy rằng, đó là một người chồng thương vợ và một người con hiếu thảo, luôn nghĩ biết suy nghĩ cho tâm trạng, cảm xúc của người khác. Việc anh ta luôn chủ động làm lành khi vợ giận dỗi, chiều theo ý để vợ được vui, sẵn sàng tha thứ cho lỗi sai của vợ, tôn trọng gia đình vợ… đó là biểu hiện của một người đàn ông trưởng thành, chín chắn, vị tha, bao dung, thậm chí là hy sinh để gia đình mình được yên ấm, để những người mình yêu thương hạnh phúc. Đó hoàn toàn không phải là biểu hiểu hiện của một người đàn ông nhu nhược.
6 đặc điểm của một người chồng nhu nhược
Theo các chuyên gia tâm lý, một người đàn ông nhu nhược thường có những đặc điểm sau:
Không thể tự mình đưa ra quyết định: Đàn ông bản lĩnh, là người biết nhìn xa cho tương lai gia đình, biết phân tích đúng sai và đưa ra quyết định đúng đắn giúp vợ con. Lấy được một người chồng như vậy, phụ nữ rất được nhờ. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi kết hôn với một thì người chồng thiếu quyết đoán, dù là việc lớn hay việc nhỏ, anh ấy đều cần tới sự giúp đỡ hay hỏi ý kiến của người khác và thường sẽ quyết định theo số đông.
"Sĩ diện hão": Kiểu đàn ông này là chỉ lo giữ thể diện cho mình mà không quan tâm đến vợ con, đôi khi còn mắng vợ mắng con để "ra oai" với mọi người. Những người đàn ông có cái "tôi" cao cũng thường làm khổ phụ nữ. Khi họ đã cho một điều gì đó là đúng, họ quyết giữ khư khư ý kiến của mình, cho dù có ai phân tích đúng như thế nào. Vì tính cách đó, họ cũng dễ khiến cho cuộc sống vợ chồng bị bất hòa và làm cản trở những điều tốt đẹp trong cuộc sống của gia đình.
Nhất mực nghe lời mẹ: Một người chồng tốt là một người biết hiếu thuận với cha mẹ. Nhưng không phải trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng nghe lời mẹ. Bởi lẽ họ đã lớn, trưởng thành và biết điều gì là đúng, điều gì là sai. Biết cư xử công bằng giữa mẹ và vợ để giữ hòa khí trong nhà chứ không phải nhất mực nghe theo lời mẹ.
Nóng tính, thiếu kiên nhẫn: Tính kiên nhẫn và bền bỉ cố gắng giúp duy trì và tiến đến thành công một cách tốt nhất. Bởi vậy, nếu anh ấy thiếu kiên nhẫn, chỉ làm giữa chừng khi gặp khó khăn lại chán nản và bỏ. Thậm chí khi nhận được lời khuyên từ vợ thì họ lại nóng tính, khó chịu... Với người chồng có đặc điểm này, người vợ khó có thể trông chờ vào sự che chở của họ.
Thích đổ lỗi cho người khác: Người nhu nhược không biết đúng sai và thường hay đổ lỗi cho người khác. Khi yêu bạn chắc chắn sẽ biết được điểm này của chàng. Khi nhận xét một vấn đề hoặc khi phải "gay gắt" với bạn, hãy xem chàng thường đánh giá các lỗi lầm như thế nào.
Không dám bảo vệ vợ: Đàn ông hiền lành khác với đàn ông nhu nhược ở chỗ, họ biết kiềm chế và ghê gớm đúng chỗ, đúng lúc. Khi vợ gặp bất cứ khó khăn gì, họ cũng đều đứng ra tin tưởng và bảo vệ vợ. Trong gia đình, khi mẹ chồng - nàng dâu có vấn đề, và đó không phải lỗi của vợ, đàn ông hiền lành vẫn sẽ bảo vệ vợ, còn người nhu nhược thì không. Ngoài xã hội cũng vậy, khi vợ gặp vấn đề, bị dư luận soi mói, người đàn ông nhu nhược có thể cũng chính là một trong số những người sẽ chỉ trích vợ.
Theo Ngân Khánh (Giadinh.net.vn)