Lý giải khả năng đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn có khả năng nhiễm bệnh, tử vong và biện pháp bảo vệ.
Theo thống kê, khảo sát và báo cáo của ngành y tế, tại nhiều địa phương đến nay vẫn có một số người tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn mắc và tử vong do COVID-19.
Theo nhiều báo cáo và nghiên cứu rõ ràng việc tiêm chủng là cách tốt nhất để làm chậm sự lây lan của COVID-19 và phòng tránh lây nhiễm do biến thể Delta hoặc biến thể khác.
Hầu hết những người mắc COVID-19 hiện nay đều chưa được tiêm vaccine. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp đã tiêm chủng vaccine COVID-19 đầy đủ cả 2 liều và đúng thời gian quy định của nhà sản xuất nhưng vẫn có thể mắc COVID-19, có thể diễn biến nặng và thậm chí có thể tử vong. Vậy lý giải những vấn đề này như thế nào?
Chúng ta cũng biết rằng, không riêng gì với COVID-19, các nhiễm trùng do vi khuẩn và virus khác dù được tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng quy trình đều có thể xảy ra nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong. Bởi vì vaccine không thể có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm 100%, nên một số người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn sẽ mắc COVID-19.
Sự đột biến tạo thành các biến chủng mới có thể né tránh đáp ứng miễn dịch của cơ thể, vì vậy vaccine sẽ không hiệu quả trong một số trường hợp nhiễm các biến thể mới.
Người bị bệnh lý nền ảnh hưởng đến hoạt động đáp ứng miễn dịch (như đái tháo đường, suy thận mạn), những người bị suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV), người đang dùng các loại thuốc điều trị có tác dụng ức chế miễn dịch (bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân ung thư đang hoá trị liệu, đang điều trị giảm nhẹ) không phải lúc nào cũng tạo nên đáp ứng miễn dịch ở mức độ bảo vệ đầy đủ sau tiêm chủng.
Người già, đặc biệt những người trên 60 tuổi, hoạt động đáp ứng miễn dịch đã suy giảm nhiều, các phản ứng miễn dịch sẽ yếu, đáp ứng không hiệu quả với nhiễm trùng và ngay cả tiêm vaccine, nên dù có tiêm đủ liều thì khả năng bảo vệ có thể chưa đủ kiểm soát tác nhân gây bệnh.
Ngay khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine cũng đã chỉ rõ bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào hay bất kỳ loại vaccine phòng các bệnh nào khác cũng chỉ có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ chuyển nặng. Nếu đã tiêm đủ liều vaccine mà mắc bệnh, bệnh nhân vẫn có khả năng chuyển nặng và tử vong.
Khi số người đã được tiêm chủng tăng lên, ngay cả khi bao phủ vaccine 100% thì bệnh còn lây nhiễm thì số ca mắc dù đã tiêm vaccine là đương nhiên, các ca mắc cũng có thể chuyển nặng và tử vong. Tuy nhiên chắc chắn một điều là số ca mắc có thể còn cao nhưng số bệnh nặng và tử vong sẽ giảm. Đó là một thực tế hiện nay tại nhiều khu vực trên thế giới và Việt Nam. Hiện tại, theo nhiều báo cáo, số ca mắc chủ yếu tăng ở những người chưa được tiêm vaccine ở châu Âu, Mỹ và một số nước khác.
Như vậy, những người đã tiêm đủ vaccine COVID-19 thì giảm được nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong. Cho nên việc triển khai bao phủ vaccine là vô cùng cấp bách và cần thiết.
Tuy nhiên, vaccine không phải là tấm lá chắn tuyệt đối, những người đã được tiêm chủng 1 mũi hay đủ liều vaccine đều còn nguy cơ mắc và lây lan COVID-19 cho người khác.
Trong nguyên tắc dự phòng các bệnh lây nhiễm, thì dự phòng đặc hiệu bằng vaccine có mục tiêu giảm được nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong, còn các biện pháp dự phòng không đặc hiệu như vệ sinh cá nhân, môi trường, cộng đồng góp phần làm giảm nguy cơ lây lan, tạo thành dịch lớn. Vì vậy, cần đồng thời cần duy trì các biện pháp phòng bệnh.
Cụ thể là thực hiện nghiêm chỉnh thông điệp 5K, thực hiện tốt việc đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, tiếp xúc thời gian ngắn là đã giảm nguy cơ lây lan cho bản thân và cộng đồng.
Đặc biệt, ở những người đã tiêm chủng vaccine, có thể họ vẫn nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hoặc rất nhẹ mà sẽ lây cho gia đình, cộng đồng, lây lan ra những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp, cho những người lớn tuổi, người có sức đề kháng kém thì dịch lại bùng lên. Nguy hiểm nhất là thời điểm này dễ lây cho trẻ em mà đối tượng này lại chưa được tiêm chủng.
Mặt khác, khi đã tiêm chủng đủ liều vaccine COVID-19 thì khả năng miễn dịch cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khả năng bảo vệ của vaccine có thể suy giảm sau 6 tháng, vì vậy, sau khi tiêm chủng đủ liều vaccine khoảng 5 - 6 tháng thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Nếu có thể sẽ tiêm nhắc lại mũi vaccine tăng cường để kéo dài thời gian bảo vệ.
Vaccine và 5K đồng hành cùng sức khoẻ của chúng ta, của cá nhân và cộng đồng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
PGS TRẦN ĐÌNH BÌNH (ĐH Y - DƯỢC HUẾ)
Theo Lao Động