Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, chỉ ra rằng dù tiết trời rất nóng, trên thực tế sự lây nhiễm đã diễn ra trong các môi trường mát và kín, tập trung đông người. nCoV có thể chết ở nhiệt độ cao nhưng không giảm lây truyền khi tiếp xúc gần.
Theo các nghiên cứu khi Covid mới xuất hiện, virus gây bệnh này có thể sống sót bên ngoài cơ thể đến 3-5 ngày, thậm chí 14 ngày trong điều kiện nhiệt độ thấp. Tuy nhiên chúng chỉ tồn tại được 5 phút ở 70 độ C. Nếu nCoV tiếp xúc với nhiệt độ rất cao chỉ một giây cũng đủ khiến chúng không thể lây sang vật chủ khác. Từ đó công chúng tin rằng Covid-19 sẽ có tính mùa, giảm bớt trong mùa hè nắng nóng.
Tuy nhiên, bác sĩ Hà phân tích: nCoV chết ở nhiệt độ cao nhưng không thể khẳng định nó không lây lan khi thời tiết nắng nóng. Trong môi trường thông khí kém, đặc biệt phòng kín máy điều hòa lạnh, virus có điều kiện tồn tại và lây lan. Chỉ ở trong môi trường thoáng khí, có ánh sáng tự nhiên, nCoV mới có ít cơ hội sống sót. Khi ở trong cơ thể người, chúng vẫn phát triển, không liên quan đến nhiệt độ môi trường.
Hơn nữa, nhiệt độ, độ ẩm chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ lây lan dịch bệnh, hành vi con người mới là yếu tố quan trọng, bác sĩ Hà nói.
Cách thức lây truyền của virus là thông qua giọt bắn, qua bề mặt chứa virus, qua không khí. Môi trường khép kín, chật hẹp, mật độ đông người, tiếp xúc lâu là yếu tố nguy cơ cao. Đặc biệt trong đợt dịch lần này, Covid-19 bùng phát mạnh ở những khu công nghiệp, quán karaoke... đều là môi trường kín.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, cho biết: "Trong thời tiết nắng nóng, khả năng virus tồn tại bên ngoài môi trường là rất thấp. Tuy nhiên số ca nhiễm vẫn tăng cao là do tiếp xúc quá gần".
Hình thức lây của virus là thông qua giọt bắn. Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn nên người khác. Khi một người hít phải giọt bắn đó sẽ mắc Covid-19.
"Khi nắng nóng, mọi người hay tụ tập trong các môi trường có máy lạnh như quán cà phê, trung tâm thương mại... là nơi dễ lây truyền bệnh. Kể cả khi hai người đứng ngoài nắng mà tiếp xúc gần, virus vẫn có thể lây", bác sĩ nói. "Chỉ khi đứng một mình ngoài nắng nóng, hoặc tiếp xúc nhưng tuần thủ khoảng cách, virus sẽ bị tiêu diệt".
Hiện, Việt Nam ghi nhận rất nhiều ca nhiễm một ngày, chủ yếu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM song các bệnh nhân này đã được cách ly từ trước. Vì thế, không loại trừ khả năng thời gian ủ bệnh của các bệnh nhân dài nên đến giờ mới phát hiện dương tính; chưa chắc bệnh nhân bị nhiễm vào những ngày nóng vừa qua, hay từ trước đó.
Trong ba phương thức lây truyền, nCoV lây qua không khí mới được khẳng định từ đầu năm 2021. Bác sĩ Hà cho rằng việc thông khí, mở cửa thoáng là biện pháp quan trọng ngăn chặn virus.
"Khi mở cửa thông thoáng, môi trường loãng, gió phát tán cộng với bức xạ mặt trời, nCoV chết rất nhanh. Chúng không thể 'bay từ nhà tòa nhà này sang nhà khác' như một số người tưởng tượng", bác sĩ Hà, người đứng đầu chiến dịch chống SARS tại Việt Nam năm 2002, nói. Ông nổi tiếng với phương pháp mở cửa thông thoáng phòng bệnh khi điều trị, được công nhận trên thế giới, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc SARS.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng nhận định khi mở cửa thông thoáng, có nắng gió, nCoV sẽ bị tiêu diệt mà không lây sang các nhà lân cận. Do đó, để ngăn chặn Covid-19 hiệu quả, mọi người cần tuân thủ 5K, mở cửa nhà thông thoáng, thường xuyên lau bề mặt, nền nhà, vật dụng, nhà vệ sinh... bằng các chất tẩy rửa thông thường.
Theo Lê Cầm - Thúy Quỳnh (VnExpress.net)