Bệnh viện Phổi Bắc Giang ngày 1/6 cho biết, bệnh nhân N.H.T., 61 tuổi, điều trị từ ngày 27/5, trong tình trạng khó thở, ho, SpO2 78%, được đặt nội khí quản, thở máy và lọc máu. Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Phổi Bắc Giang ngày 28/5. Đến sáng 1/6, bệnh nhân chuyển biến nặng hơn, giảm oxy máu, ứ CO2.
Đội y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân. BSCKII Trần Thanh Linh thông tin, sau khi làm ECMO, oxy cải thiện nhưng bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn ECMO và tiếp tục được lọc máu.
Trường hợp thứ 2, sản phụ 26 tuổi, đang mang thai 22 tuần. Chị được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, đến ngày 1/6 bị suy hô hấp, tụt huyết áp, thở oxy 100%. Ngay lập tức, đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển máy móc sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đặt ECMO cho sản phụ.
Lúc sau, huyết áp của bệnh nhân ổn định hơn và được chuyển về Trung tâm hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Bắc Giang và tiếp tục được thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, các bác sĩ trong giai đoạn này ưu tiên cứu mẹ. Hơn nữa, thai phụ phải sử dụng rất nhiều thuốc cùng các thiết bị máy móc trên người, khả năng thai nhi chuyển thành thai lưu là rất cao.
"Hiện tại, chúng tôi chưa đánh giá, chưa siêu âm lại, nhưng trong những ngày tới bệnh nhân sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, kháng sinh nên sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Đánh giá chung, cả hai ca ECMO này đều tiên lượng rất nặng", BSCKII Trần Thanh Linh cho biết.
Theo anh, Bắc Giang không nhiều bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền như đợt dịch Đà Nẵng. Chủng virus lần này biến thể, bệnh nhân nặng vẫn có. Đặc biệt, hiện số lượng người mắc gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng.
"Hồi ở Đà Nẵng, những ca bệnh nặng đều cao tuổi và có bệnh nền, không có ca trẻ, trẻ nhất là hơn 40 tuổi. Đợt đó, bệnh nhân trẻ gần như là không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Còn lần này, chỉ mấy ngày sau chụp X-quang là thấy phổi trắng xóa. Ca tử vong ở Bắc Giang bệnh nhân trẻ quá (nữ công nhân 38 tuổi), con mới 6 tuổi", bác sĩ Linh cho hay.
Bác sĩ cho biết, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. Nếu không theo dõi sát, không chủ động, bệnh nhân dễ tử vong. Đội ngũ y tế phải theo dõi nhiều, cực hơn so với ở Đà Nẵng.
"Nhưng chính vì những điều này mà chúng tôi quyết tâm phải cứu bằng được các bệnh nhân, bệnh nhân trẻ nên thầy thuốc phải cố gắng cứu được. Phải kiên quyết không để tử vong!", bác sĩ Linh chia sẻ.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)