Loét miệng là tình trạng tương đối phổ biến và thường trở nên trầm trọng hơn khi ăn một số loại thực phẩm. Nếu bạn có một hoặc nhiều vết loét kéo dài nhiều ngày trên miệng, đó có thể là dấu hiệu của ung thư.
Miệng có rất nhiều đầu dây thần kinh nên các vết loét thường đau đớn, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một người. Thông thường tình trạng này không có gì đáng lo ngại và sẽ tự khỏi sau ít ngày.
Tuy nhiên, đôi khi, nguyên nhân gây ra vết loét phức tạp hơn, cảnh báo một căn bệnh tiềm ẩn khác.
Nguyên nhân của loét miệng
- Bạn vô tình cắn vào bên trong má
- Tổn thương do bàn chải đánh răng (chẳng hạn như trượt tay trong khi đánh răng)
- Liên tục cọ xát với răng lệch lạc hoặc sắc nhọn, gãy
- Liên tục cọ xát với răng giả hoặc niềng răng
- Bỏng do ăn đồ nóng
- Kích ứng do thuốc sát trùng mạnh, chẳng hạn như nước súc miệng
- Nhiễm virus herpes
- Phản ứng với một số loại thuốc
- Phát ban ở miệng
- Bệnh tự miễn
- Thiếu vitamin hoặc sắt
- Bệnh đường tiêu hóa
- Ung thư khoang miệng, ung thư cổ tử cung
Khi nào cần lo lắng
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh khuyến cáo các vết loét miệng không lành trong vài tuần có thể là dấu hiệu của ung thư khoang miệng.
Carrie Newlands, bác sĩ phẫu thuật hàm mặt, tư vấn: “Ung thư miệng ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi và phụ nữ có thể do lây truyền qua đường tình dục. Virus gây u nhú ở người (HPV) là nhóm virus rất phổ biến và gây ung thư miệng. Sử dụng bao cao su sẽ giúp bảo vệ bạn chống lại virus HPV".
Romama Kuchai, bác sĩ Tai mũi họng người Anh, cho biết: “Nếu bạn đang bị loét miệng, nguyên nhân khả năng do tổn thương trong miệng - như cắn vào bên trong má, vết cắt do ăn đồ cứng hoặc uống đồ nóng”.
“Nếu bạn là một trong những người không may mắn bị những vết loét khó chịu này thường xuyên, khả năng có một yếu tố tiềm ẩn. Không phải lúc nào cũng rõ nguyên nhân loét miệng thường xuyên, nhưng căng thẳng, lo lắng, thay đổi nội tiết tố và ăn một số loại thực phẩm - như chocolate, đồ cay và lạc - có thể gây loét trở lại".
Cách điều trị
- Tránh thức ăn cay và chua cho đến khi vết loét lành
- Uống nhiều nước
- Giữ miệng của bạn sạch sẽ
- Bôi gel sát trùng vào vết loét
- Thường xuyên súc miệng bằng nước ấm có muối
- Dùng nước súc miệng không chứa cồn hai lần mỗi ngày, giữ lâu trong khoang miệng
- Bôi thuốc mỡ tại chỗ loét hoặc uống thuốc ức chế miễn dịch. Các loại thuốc này phải do bác sĩ chuyên khoa kê đơn.
Theo An Yên (VietNamNet)