Các bác sĩ khoa Ngoại Đầu cổ, BV Ung Bướu Hà Nội, vừa phẫu thuật cắt bỏ khối mỡ khổng lồ cho bệnh nhân Trịnh Hoàng Hà, 54 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội, có tiền sử nghiện rượu 40 năm qua.
Ông Hà cho biết bản thân uống rượu từ năm 15-16 tuổi, trung bình uống 1 lít/ngày. Cách đây 4 năm, khi phát hiện có một vài cục u nhỏ ở cổ, ông đã đến một số cơ sở y tế khám và được biết tình trạng này là do lạm dụng rượu gây rối loạn chuyển hóa. Dù vậy, ông vẫn không thể bỏ được loại đồ uống có cồn này.
Hai năm trở lại đây, khối u tăng nhanh cả về số lượng và kích thước, xuất hiện ở rất nhiều vị trí, từ cổ, vai, gáy, lưng, tay, chân. Đặc biệt, u lớn rất nhanh, tạo thành khối khổng lồ bao quanh cổ khiến gương mặt và cả phần thân trên trở nên kỳ dị.
Kết quả xét nghiệm tại BV Ung bướu Hà Nội cho thấy bệnh nhân bị đa u mỡ, lan tỏa toàn bộ vùng cổ, nền cổ, thượng đòn hai bên, chỗ dày nhất bên phải kích thước 12 cm và bên trái 13 cm. U chèn ép lên khí quản, thực quản chính là nguyên nhân gây khó thở, nuốt nghẹn.
Bác sĩ chỉ định bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau 2 giờ phẫu thuật, nhiều khối u mỡ được cắt bỏ có cân nặng lên tới 2 kg, khí quản, thực quản được giải phóng khỏi chèn ép.
TS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, BV Ung bướu Hà Nội, chia sẻ nam bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, men gan cao nên quá trình gây mê khá phức tạp. Tổ chức mỡ lan tỏa rộng, bao toàn bộ khí quản, thực quản nên khi phẫu thuật phải tính toán để tránh những nguy cơ nguy hiểm như tổn thương khí quản, thực quản, các mạch máu lớn, dây thần kinh vùng cổ.
Đặc biệt, nếu bác sĩ cắt quá rộng, có thể gây hoại tử vạt da. Vì vậy, để loại bỏ hết các khối u mỡ, bệnh nhân cần phải phẫu thuật nhiều lần.
Sau mổ, bệnh nhân đã không còn khó thở, ăn uống được bình thường. Ông Hà hy vọng thời gian tới có thể tiếp tục phẫu thuật để dần lấy lại tự tin trong cuộc sống.
Từ 1-1-2020: Cấm xúi giục người khác uống rượu bia
Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
- Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi tham gia trực tiếp vào việc sản xuất, mua, bán rượu, bia.
- Cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
- Đặc biệt, để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định cấm tiệt người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
Đồng thời, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham giao thông.
Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được xem là biện pháp cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
HP (SHTT)