Uống nhiều đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ tổn thương não bộ

09/05/2025 13:58:08

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh học (Neurology), những người thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn sẽ có nhiều nguy cơ tổn thương mạch máu não, gây ảnh hưởng tới não bộ.

Uống nhiều đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ tổn thương não bộ
Đồ uống có cồn gây ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ, đặc biệt là não bộ

Theo đó, tổn thương não là sự phá hủy hoặc suy giảm chức năng của các tế bào não. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm kiếm dấu hiệu của một loại tổn thương não cụ thể, được gọi là xơ vữa động mạch não. Đây là tình trạng các mảng bám tích tụ trong thành động mạch não, khiến chúng dày lên và cứng lại. Tổn thương não, bao gồm cả xơ vữa động mạch não, có liên quan đến các vấn đề về nhận thức và trí nhớ, cũng như các triệu chứng vận động tương tự như những gì thường thấy ở bệnh Parkinson.

Theo TS. Alberto Fernando Oliveira Justo thuộc Đại học Heidelberg (Đức) đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu đã giải thích, rượu làm tổn thương mạch máu, tăng cường quá trình oxy hóa và gây viêm nhiễm, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tổn thương não gia tăng ở những người uống rượu.

Thói quen uống rượu bia ảnh hưởng đến sức khoẻ não bộ như thế nào?

Cụ thể, nghiên cứu được phân tích dữ liệu từ 1.781 người Brazil đã qua đời, tất cả đều được khám nghiệm tử thi não. Độ tuổi trung bình khi họ mất là 75. Thông tin về thói quen uống rượu của những người này trong suốt cuộc đời được thu thập từ gia đình họ.

Họ được chia thành các nhóm: người uống nhiều (8 hoặc nhiều hơn 8 ly rượu tiêu chuẩn mỗi tuần - 129 người), người uống vừa phải (1 đến 7 ly mỗi tuần - 319 người), người không bao giờ uống rượu (965 người), người từng uống nhiều (368 người).

Người thân của những người tham gia cũng điền vào bảng câu hỏi để đánh giá khả năng nhận thức của họ trong những tháng cuối đời. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra mô não của những người này để tìm các dấu hiệu của sức khỏe não bộ kém, bao gồm tổn thương não, rối loạn tau, đồng thời đo trọng lượng và kích thước não.

Sau khi xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến não như hút thuốc, hoạt động thể chất và tuổi tác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người uống nhiều rượu có nguy cơ tổn thương mạch máu não cao hơn 133% so với người không bao giờ uống rượu. Nguy cơ này ở người từng uống nhiều là 89% và ở người uống vừa phải là 60%.

Uống nhiều đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ tổn thương não bộ - 1
Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu dẫn tới sa sút trí tuệ

Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc uống rượu và các dấu hiệu khác của sức khỏe não bộ kém. Người từng uống nhiều rượu có khối lượng não thấp hơn và khả năng nhận thức kém hơn so với các nhóm khác. Đáng chú ý, người uống nhiều rượu trung bình mất sớm hơn 13 năm so với người không bao giờ uống rượu. Cả người từng uống nhiều và người uống nhiều hiện tại đều có nguy cơ mắc chứng rối loạn tau cao hơn, đây là một dấu hiệu sinh học của bệnh Alzheimer.

Tau là một loại protein liên quan đến vi ống chủ yếu được tìm thấy trong tế bào thần kinh và có nhiều chức năng trong các tế bào não khỏe mạnh. Sự tích tụ của tau bất thường dẫn đến “rối loạn” gây tổn thương tế bào và viêm, góp phần gây ra các triệu chứng của bệnh Alzheimer .

Vì sao uống rượu lại dễ khiến não tổn thương?

Theo PGS.TS Mashal Khan thuộc khoa Tâm thần, Hệ thống Y tế Weill Cornell Medicine, nghiên cứu trên hiện không thể là minh chứng chắc chắn rằng đồ uống có cồn sẽ gây ra những tổn thương này ở não nhưng rõ ràng, đồ uống có cồn đóng vai trò quan trọng gây tổn thương mạch máu và phá huỷ dần các tế bào não.

PGS.TS Khan cũng cho biết, rượu có khả năng gây hại cho mạch máu, làm giảm lượng máu lưu thông lên não và gây viêm, dẫn đến tổn thương mô não. Ông nói thêm: "Về lâu dài, uống nhiều rượu sẽ làm thay đổi cấu trúc não, gây ra sự co rút ở các khu vực quan trọng cho việc ra quyết định, trí nhớ, học tập, cũng như khả năng vận động và giữ thăng bằng. Những thay đổi này có thể gây khó khăn trong việc suy nghĩ mạch lạc, ghi nhớ và kiểm soát cử động."

Đặc biệt, trong nghiên cứu này còn chỉ ra rằng những tác động tiêu cực kể trên dường như vẫn tồn tại ngay cả sau khi ngừng uống rượu.

Bảo vệ não bộ khỏi tác hại của đồ uống có cồn

Để bảo vệ sức khỏe não bộ, đặc biệt nếu rượu chiếm một phần đáng kể trong cuộc sống của bạn thì việc làm tiên quyết nhất là ngừng hoặc giảm lượng tiêu thụ rượu. Theo các chuyên gia, nên hạn chế uống không quá 7 ly rượu mỗi tuần để tránh được các tác động tiêu cực liên quan đến việc uống nhiều rượu.

TS. Justo nhấn mạnh, những người đã hoặc đang uống nhiều rượu cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe nhận thức. Nên kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, cần bỏ hút thuốc lá và duy trì hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội.

Trong những năm gần đây, thái độ của mọi người đối với việc uống rượu đã có sự thay đổi, với mức tiêu thụ giảm nhẹ, đặc biệt ở giới trẻ do nhận thức về tác hại của nó. Đáng chú ý, vào năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố khẳng định rằng "không có mức tiêu thụ rượu nào là an toàn cho sức khỏe". Do đó, việc nhận thức rõ về thói quen uống rượu và những rủi ro tiềm ẩn sẽ giúp mỗi người đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn, mang lại lợi ích lâu dài cho não bộ và sức khỏe tổng thể.

Theo Hà Chi (Sức Khỏe+)

Nổi bật