Thông tin với Zing ngày 19/8, thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân L.H.N. (nam, 39 tuổi, ngụ Ba Đình, Hà Nội) trong tình trạng sùi loét ở lưỡi nghiêm trọng kèm cảm giác đau nhức.
Qua khai thác tiền sử, trước đó khoảng 2 tháng, người đàn ông này xuất hiện vết gồ nhỏ ở lưỡi. Thời điểm đó, do nghĩ bản thân bị nhiệt miệng, bệnh nhân xúc miệng nước muối và đi khám tại một số nơi.
Sau khi đi khám, người này được chẩn đoán loét áp-tơ lưỡi và cho về nhà dùng thuốc kháng sinh. Tình trạng loét có thuyên giảm, cảm giác đau bớt dần.
Tuy nhiên, khoảng 2-3 tuần sau đó, vết loét tiếp tục gồ lên. Lúc này, bệnh nhân có tâm lý chủ quan và không tìm cách xử lý thêm, cho rằng sẽ tự khỏi. Một tháng sau, vết loét ở lưỡi lan rộng với kích thước 0,8 cm, cảm giác đau nhức, buộc ông phải đi khám.
Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, ông N. được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn 4, đã có xâm lấn ở cơ lưỡi cùng khu vực xung quanh. Kết quả sinh thiết tức thì cũng xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập.
Đáng nói, BS Thịnh cho biết người đàn ông này có lối sống trong quá khứ thiếu khoa học và thường xuyên uống bia, rượu.
Vị chuyên gia sau đó chỉ định bệnh nhân N. nhập viện điều trị với phương pháp xạ trị hóa chất. Tình trạng hiện tại của bệnh nhân không cho phép phẫu thuật ngay. Tiên lượng tình trạng của người đàn ông này cũng khá xấu.
Liên quan bệnh lý ung thư lưỡi, BS Thịnh cho hay đây là tình trạng rất điển hình, liên quan trực tiếp đến lối sống cùng các tác nhân như rượu, bia, thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, thường xuyên ăn đồ nóng...
Bệnh ung thư lưỡi, nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm, có thể dễ được điều trị ổn định hơn. Tuy nhiên, với bệnh nhân trên, khi đã ở giai đoạn 4 của bệnh, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Thời gian sống chỉ có thể được kéo dài tùy thể trạng cũng như khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân.
Dấu hiệu sớm nhất của ung thư lưỡi
Như đã đề cập ở trên, ung thư lưỡi rất dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng. Để có thể phát hiện sớm và không chủ quan trước căn bệnh này, bạn nên lưu ý những dấu hiệu dưới đây và đi khám chữa kịp thời:
– Đau lưỡi: Cảm giác đau ở lưỡi là dấu hiệu mà cơ thể chúng ta có thể nhận ra sớm nhất. Người bệnh sẽ thấy đau hơn khi nhai nuốt thức ăn.
– Bề mặt lưỡi xuất hiện mảng trắng: Theo thời gian, các mảng trắng ngày càng bám chắc vào da rồi lan rộng ra và gây chảy máu.
– Đau họng: Họng bị đau cũng là một trong những biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi.
– Tê cứng lưỡi, đau tai, giọng nói thay đổi, thậm chí hôi miệng cũng có thể cảnh báo rằng bạn đã mắc ung thư lưỡi.
Những đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư lưỡi.
- Người trên 50 tuổi, trong đó phần lớn là nam giới.
- Người vệ sinh răng miệng kém, thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, có thói quen nhai trầu hoặc nhiễm virus như HPV...
- Đặc biệt, nam giới mắc bệnh lý răng lợi mãn tính dù có hút thuốc lá hay không cũng làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi.
Cùng với đó, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra tỷ lệ mắc bệnh ung thư lưỡi ở nam giới cao hơn nữ giới, đặc biệt những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia thì nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi càng cao.
Theo thống kê, nam giới trên 50 tuổi có khả năng mắc bệnh ung thư lưỡi cao nhất, vì vậy những người này cần tầm soát sàng lọc ung thư lưỡi định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.
Đối với những người dưới 50 tuổi, tùy theo tình trạng sức khỏe hoặc có những dấu hiệu bất thường cũng cần gặp bác sĩ để kịp thời chữa trị.
Điều trị ung thư lưỡi
Phẫu thuật: Thực trạng đáng lo ngại là đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đến khám và phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u). Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.
Xạ trị: có thể xạ trị đơn thuần trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra có thể xạ trị tại chỗ (xạ trị áp sát) bằng cách dùng nguồn phóng xạ đặt hoặc cắm vào tổn thương ung thư tại lưỡi nhằm tiêu diệt tổn thương.
Hóa chất: Có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa trị hoặc phối hợp đa hóa trị. Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng đa hóa trị cho kết quả đáp ứng tốt hơn đơn hóa trị.
PN (Nguoiduatin.vn)