Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Anh Tuấn (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) chia sẻ, ngày 11.3 vừa qua, bệnh nhân N.N đã đến tái khám sau phẫu thuật mắt trái. Xét nghiệm cho thấy nhãn áp của mắt trái đã giảm, tuy nhiên, bệnh nhân chỉ có thể nhìn thấy bóng mờ trong khoảng 1m.
Theo TS Tuấn, bệnh nhân này đã nhập viện trong tình trạng đau nhức mắt, mắt mờ gần như không nhìn thấy gì. Bác sĩ đo thị lực thì chỉ còn nhìn thấy bóng tay mà không nhìn rõ các ngón tay. Nhãn áp tăng lên cao mắt trái 56 mm Hg, mắt phải 50 mm Hg (trong khi người bình thường chỉ dưới 20mm Hg) đáy mắt lõm gai hoàn toàn, giác mạc bị phù nề hai bên, đồng tử hai bên giãn nhẹ, phản xạ ánh sáng chậm. Kết luận bệnh nhân bị mù do bệnh glôcôm thể nặng.
Sau khi dùng thuốc, bác sĩ đã phẫu thuật mắt trái cho bệnh nhân. Kết quả, nhãn áp đã hạ nhưng thị lực cũng không khôi phục được bao nhiêu.
"Khai thác tiền sử, bệnh nhân đã cho biết mình bị viêm kết mạc, mắt mỏi, cộm nên đã mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ. Sau khi nhỏ thấy mắt thoải mái hơn nên đã dùng trong suốt 3 tháng, mỗi ngày nhỏ 3-4 lần. Nào ngờ, một ngày bỗng nhiên không nhìn thấy gì nữa" - TS Tuấn chia sẻ.
Theo TS Tuấn, thuốc nhỏ mắt mà bệnh nhân dùng là thuốc chứa corticoid, đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh glôcôm nghiêm trọng cho mắt. "Sắp tới, chúng tôi sẽ phẫu thuật nốt mắt phải cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tiên lượng cho thấy, thị lực bệnh nhân cũng chỉ phục hồi được rất ít, may mắn có thể đảm bảo sinh hoạt cá nhân trong nhà. Đây là một trong những ca bệnh glocom đáng tiếc mà chúng tôi đã gặp phải. Hầu hết các ca glôcôm đều trên 40 tuổi, còn bệnh nhân này lại quá nhỏ, tương lai còn phơi phới phía trước" - TS Tuấn cho biết.
Bác sĩ Tuấn cho biết, bệnh glôcôm là nguyên nhân quan trọng thứ 2 gây mù lòa. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO đối với những người trên 40 tuổi, năm 2010 thế giới có 60,5 triệu người bị glôcôm, đến năm 2020, thế giới sẽ có 79,5 triệu và năm 2030 ước tính có hơn 110 triệu người bị glôcôm.
Còn tại Việt Nam, một số điều tra cho thấy, ước tính có gần 700.000 người trên 40 tuổi bị glôcôm. Những người có nguy cơ bị glôcôm là người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình có người bị bệnh glôcôm, người có nhãn áp cao, có tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống và dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid kéo dài.
Bác sĩ Tuấn cho biết, mọi người cần đi khám mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh glôcôm. Vì mắt bị glôcôm sẽ dần tiến triển đến mù lòa vĩnh viễn, không có cách nào phục hồi. Người bị glôcôm cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Dịp này, Bệnh viện mắt Hà Nội (cơ sở 2) sẽ khám mắt miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ thời gian từ 14-15 giờ các ngày 11 đến 16.3.2019 để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý glôcôm cho người bệnh.
Dấu hiệu bị bệnh glôcôm:
1.Glôcôm cấp (bệnh Thiên đầu thống): Đau nhức mắt lan ra nửa đầu cùng bên; Nhìn mờ, nhìn đèn có quầng; Mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
2.Glôcôm mãn: Đôi khi mắt có cảm giác căng tức nhẹ thoáng qua; Cảm như có màn sương vào buổi sáng; Vùng nhìn thu hẹp dần; Nhiều trường hợp không có bất kỳ triệu chứng nào.
Theo Diệu Linh (Dân Việt