Gia đình tưởng không qua khỏi
Cách đây hai tuần, chị N.T.H (42 tuổi, tại Điện Biên) tưởng mình sẽ ra đi mãi mãi vì bị nhiễm trùng đường mật do sỏi gây tắc nghẽn.
Chị H chuyển tới Bệnh viện Việt Đức đã ở trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu cho chị trong tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", sốc nhiễm trùng, trong máu có vi khuẩn.
Do tình trạng nhiễm trùng đường mật của chị H rất nặng nên gia đình nghĩ chị khó qua khỏi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đưa chị về bất cứ lúc nào. Điều kỳ diệu đã xảy ra sau ca mổ 6 ngày chị H đã tỉnh, sau 15 ngày chị H đã đi lại, nói chuyện được.
Chị H cho biết, trước khi vào viện ở nhà chị bị đau bụng theo từng cơn, chị có đi viện khám như không tìm ra nguyên nhân. Đau bụng tới ngày thứ 6 chị H bị ngất nên đã được chuyển từ Điện Biên xuống bệnh viện Việt Đức nghi ngờ sỏi mật.
"Trước đó, tôi đã từng mổ sỏi ống mật chủ tôi cứ nghĩ mổ xong là khỏi nên không theo dõi thêm. Khi tôi xuống đây khám mới biết có sỏi trong đường mật, gan đã bị xơ hỏng", chị H nói.
TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa phẫu thuật Gan mật - Bệnh viện Việt Đức cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị sỏi mật vì chủ quan không theo dõi đã dẫn tới biến chứng xơ hỏng gan.
Cách đây 2 tuần, khoa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngoài 40 tuổi đã mổ sỏi mật tới lần thứ 7, tình trạng gan của bệnh nhân đã xơ hỏng. Bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông cầm máu, giảm tiểu cầu. Trước khi mổ, bác sĩ đã phải truyền tiểu khi chỉ số ổn định đã nhanh chóng thực hiện ca mổ.
Tuy nhiên, sức khoẻ của bệnh nhân không thể duy trì cho một ca mổ dài nên bác sĩ chỉ tán được sỏi ở nhánh gần dễ, còn sỏi ở nhánh sâu thì chưa làm được. Sau mổ bệnh nhân đã ra viện, siêu âm có hình ảnh viên sỏi li ti như hạt gạo tình trạng xơ gan vẫn còn.
Sỏi mật dễ tái phát
Theo bác sĩ Tuấn Anh có hai lý do hình thành sỏi mật: chuyển hoá và nhiễm trùng.
Sỏi mật xuất hiện do chuyển hoá, đầu tiên sỏi ở trong lòng túi mật sau đó sỏi di chuyển vào ống mật chủ vì lý do nào đó không thể di chuyển tiếp sẽ tạo thành sỏi đường mật ngoài gan hoặc trong gan.
Những số phận phía sau bức tường "kỳ lạ" của hành lang cầu thang bệnh viện 2 người phụ nữ làm nghề giết mổ gặp biến chứng nặng do nhiễm vi khuẩn từ lợn
Nguy cơ tái phát sỏi trong những trường hợp này cao là do có can thiệp vào đường mật thì không thể tránh khỏi nhiễm trùng. Mỗi một lần nhiễm trùng thành đường mật sẽ không còn nhẵn khiến cho mật lưu thông không tốt sẽ gây ra sỏi.
Bệnh lý sỏi đường mật trong và ngoài gan đều có triệu chứng đau bụng dưới sườn phải hoặc thượng vị đau cơn có sốt nóng, sốt rét sau đó là vàng da. Mỗi đợt đau bệnh nhân uống kháng sinh, giảm đau tại nhà sẽ đỡ hoặc không uống gì cũng tự khỏi.
Bệnh nhân sỏi mật trong và ngoài gan, chỉ khi đau quá mới tới bệnh viện, ở giai đoạn này bệnh đã tiến triển xấu có biến chứng. Sỏi mật ngoài gan gây tắc và đau, sỏi mật trong gan gây hỏng các tế bào gan và tế bào mật.
Theo bác sĩ Tuấn Anh phòng bệnh sỏi mật bằng cách ăn chính, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6-1 năm. Khi phát hiện sỏi mật, polyp túi mật và bất thường cần khám bệnh viện chuyên khoa sớm.
"Sỏi mật là căn bệnh mắc do thói quen ăn kém vệ sinh, ăn thức ăn sống có nhiễm trùng. Hiện nay, cuộc sống hiện đại mọi người thường ăn thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh tăng các ca bệnh mắc sỏi mật…
Tại Việt Nam thì sỏi mật do ký sinh trùng, giun, vi khuẩn đường ruột có tỷ lệ khá cao. Nhiều trường hợp mổ sỏi mật có sán trong nước mật không phải là quá hiếm tại khoa", bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo.
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)