Đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam tưởng như đã hạ nhiệt từ cuối tháng 1/2021. Sau kỳ nghỉ Tết, làn sóng mới xuất hiện khi ca nhiễm liên tiếp tăng cao theo công bố hàng ngày của Bộ Y tế. Biến thể Omicron cũng góp phần khiến số ca tăng nhanh.
Gia đình ông L.C.Đ (50 tuổi) tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai có 6 thành viên thì đến nay, đã có 3 người dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn. Cả 3 F0 đều có triệu chứng sốt nhẹ, ngạt mũi, đau đầu, đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin.
“Tôi không hiểu lây bệnh từ đâu. Con trai đi học trên TP.HCM về mắc bệnh trước. Một ngày sau tôi dương tính, nhưng cơ quan tôi cũng gần 10 F0. Hôm sau thì vợ tôi ngạt mũi, test nhanh thấy 2 vạch.
Những thành viên còn lại của gia đình đều sẵn sàng tâm lý là F0 đang ủ bệnh”, ông Đ. cho hay.
Ngay khi con trai nhiễm Covid-19, ông Đ. đã liên hệ với người quen tại TP Thủ Đức, TP.HCM đặt mua 6 hộp Molnupiravir để phòng ngừa với giá 300.000 đồng/hộp 20 viên. Tại Đồng Nai, việc mua thuốc này bị siết rất chặt.
“Tôi phòng xa, bỏ ra chưa đến 2 triệu đồng nhưng có được thuốc tốt, chủ động điều trị. Nếu chờ đến khi 2 vạch mới tìm thuốc chắc chắn bị ép giá, có khi không mua được vì mình làm gì có đơn thuốc kê toa”, ông Đ. chia sẻ.
Trong khi đó, chị T.T (quận 8, TP.HCM) cũng đã nhanh chóng “ghim” thuốc cho gia đình trước làn sóng Omicron. Đáng nói, dù chỉ có 2 vợ chồng, nhưng chị có đến gần một chục hộp thuốc điều trị Covid-19 đủ chủng loại.
“Tôi chỉ mua một hộp Movinavir loại 100 viên là thuốc kháng virus, nếu mắc Covid-19 cũng không phải lùng sục tìm kiếm. Còn 5 hộp Molravir 400 do bạn tặng để dành. Thuốc Favipravir kháng virus và một số loại của Nga do người quen xách tay mang về.
Nhiều người nói tôi làm quá. Nếu đã chứng kiến hàng trăm người bệnh Covid-19 nặng không qua khỏi, hoặc có người quen là F0 nhưng không được cấp 1 viên thuốc nào, họ sẽ không trách tôi đâu", chị nói.
Chị T. cũng cho biết, chị tham gia các nhóm Facebook, Zalo có nhiều bác sĩ uy tín của TP.HCM. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc kháng virus, chị sẽ xin ý kiến của các chuyên gia này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ cho rằng, tâm lý tích trữ thuốc Molnupiravir có thể giải thích được. “Người ta sợ nếu mắc bệnh sẽ không mua được thuốc, không biết mua ở đâu, nhờ ai mua. Vậy nên khi có cơ hội và giá rẻ, họ mua để dành 1 vài hộp.
Tác hại đầu tiên là tốn tiền. Còn nếu mua để đó không sử dụng thì Molnupiravir cũng như các loại thuốc tây khác trong gia đình thôi”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Ông cảnh báo người bệnh Covid-19 và người đã lỡ mua thuốc để dành, trước khi sử dụng bắt buộc phải có ý kiến và chỉ định của bác sĩ. Trên thực tế, Molnupiravir có chỉ định chặt chẽ và có tác dụng phụ với một số đối tượng.
“Đó là điều dĩ nhiên và bắt buộc. Đưa cái gì vào cơ thể của mình đều phải cẩn trọng, không làm bừa được”.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều loại thuốc được quảng cáo điều trị Covid-19 với giá thành đắt đỏ, gắn nhãn nước ngoài. Ông cảnh báo người dân tuyệt đối không được sử dụng vì không có nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến tính mạng.
Hiện nay, TP.HCM vẫn đang duy trì Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, các số điện thoại chuyên gia tư vấn F0 tại nhà, số điện thoại đường dây nóng của các trạm y tế… Do đó, người dân không khó khăn khi muốn nhận được tư vấn của bác sĩ về phòng và điều trị Covid-19.
Trong khi đó, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, việc trữ thuốc kháng virus trong gia đình có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không may uống nhầm. Bên cạnh đó, cần cảnh báo rộng rãi người dân không được uống Molnupiravir để phòng ngừa.
Để bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19 như sau:
- Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người từ 18 tuổi trở lên, dương tính với SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ khi có chỉ số SpO2 > 96% và nhịp thở < 20 lần/phút.
Người nhiễm Covid-19 mức độ trung bình có các triệu chứng như SpO2 từ 94- 96%, nhịp thở 20-25 lần/phút, tổn thương trên XQ < 50%. Trong trường hợp người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ nhưng có bệnh lý nền thì xem như là ở mức độ trung bình.
- Dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát dưới 5 ngày, không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
- Bệnh nhân cần nhập viện đang dùng Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục uống để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày (tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị).
- Không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19
- Không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai, cho con bú. Không sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
- Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định. Đồng thời, đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.
Hiện Bộ Y tế đang chờ ý kiến Chính phủ về việc cung ứng thuốc Molnupiravir cho người dân qua hai phương thức: cấp miễn phí và người dân chi trả tiền.
Theo Linh Giao (VietNamNet)