Chúng ta đang bước vào năm thứ 3 của đại dịch Covid-19. Những ngày gần đây, số ca mắc mới liên tục gia tăng nhưng theo thống kê, đa số người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ và phần lớn bệnh nhân Covid-19 hiện nay đều theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, có không ít người ‘khoe’ rằng mình đã âm tính chỉ sau 2 – 3 ngày khiến cho nhiều bệnh nhân khác lúng túng, lo lắng vì đã 7 – 10 ngày thậm chí 20 ngày rồi mà họ vẫn dương tính với Covid-19.
Anh T.V.H. mắc COVID-19 đã 20 ngày nhưng vẫn có kết quả dương tính COVID-19. "Tôi chỉ hơi ngạt mũi, đau người, không có triệu chứng gì nặng. Trong gia đình có vợ, con đã âm tính sau 10 ngày nhưng tôi thì vẫn dương tính. Sức khỏe trước đây của tôi khá tốt, không có bệnh nền bởi vậy tôi rất lo lắng, không biết việc dương tính kéo dài như vậy có nguy hiểm không", anh H. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia - cho biết trong quá trình tư vấn cho F0, bác sĩ khảo sát trên nhóm tư vấn ghi nhận có khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 gặp tình trạng dương tính kéo dài đến 3 tuần.
Theo bác sĩ Tuấn, điều quan trọng không phải là tình trạng dương tính COVID-19 kéo dài bao lâu, mà là nồng độ virus trong cơ thể thế nào. Mặc dù dương tính COVID-19 nhưng nồng độ thấp, không tăng lên cao thì cũng không đáng lo ngại. Nếu nồng độ nhiều, tốc độ nhân lên tăng sẽ gây nguy hiểm đến cơ thể.
Bác sĩ Lê Xuân Thắng - nguyên là bác sĩ khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103 - cho biết thông thường bệnh nhân dương tính COVID-19 khoảng 2 tuần sẽ âm tính. "Đây cũng chính là lý do mà Bộ Y tế quy định thời gian cách ly F0 là 14 ngày. Tuy nhiên trong 2 tuần này, có những người 5-7 ngày test âm tính rồi, nhưng có những người kéo dài hơn 2 tuần. Điều này phụ thuộc vào sức đề kháng của từng người, sự đào thải virus của từng người khác nhau. Tức là phụ thuộc vào từng cá thể’, bác sĩ Thắng chia sẻ trên Tuổi Trẻ.
Bác sĩ Thắng chia sẻ đã từng tư vấn cho F0 dương tính kéo dài. Bệnh nhân mắc COVID-19 đến 10 ngày mất vị giác, chán ăn, chỉ uống nước nên cơ thể luôn mệt mỏi. Test dương tính đến ngày 15 vẫn dương tính.
"Đối với trường hợp này, bệnh nhân không bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, khiến cơ thể không đủ năng lượng để chống chọi, khiến tình trạng mắc bệnh kéo dài. Tôi tư vấn bệnh nhân cần cố gắng bổ sung dinh dưỡng. Dù cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, không vận động, nhưng vẫn cần năng lượng để nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Bởi vậy nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể thì rất khó để cơ thể khỏe lại được. Việc bổ sung dinh dưỡng trong quá trình điều trị COVID-19 là rất quan trọng", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc mắc COVID-19 kéo dài có nguy hiểm hay không, bác sĩ Thắng nói tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bội phát cho người bệnh. Bên cạnh đó, những người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng có thể chủ quan gây lây lan dịch bệnh.
"Để hạn chế tình trạng mắc COVID-19 kéo dài, người bệnh phải giữ tinh thần thoải mái, ăn uống thêm hoa quả, bổ sung dinh dưỡng để cơ thể tăng đề kháng, tập luyện thể thao nhẹ nhàng. Cơ thể khỏe mạnh mới có thể nhanh chóng hồi phục", bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Trên Doanh nghiệp & Tiếp thị, TS. Stephen Kissler, Khoa Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm, Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ) cho biết: "Bệnh nhân theo dõi và điều trị Covid-19 tại nhà thường sẽ có kết quả test nhanh dương tính trong khoảng từ 6 – 10 ngày. Và nếu là xét nghiệm PCR, thời gian dương tính có thể lâu hơn nữa".
PGS.TS. Alberto Paniz-Mondolfi, Khoa bệnh học, y học phân tử và tế bào, Trường Y dược Icahn, Mount Sinai (Mỹ), giải thích: "Bạn vẫn có thể dương tính trong nhiều tuần và thậm chí vài tháng". Vị PGS này cũng lưu ý rằng y học đã ghi nhận các xét nghiệm PCR dương tính tới 60 ngày.
F0 có kết quả dương tính kéo dài nên làm gì?
TS. Kissler cho biết, khi vẫn còn kết quả dương tính với test nhanh Covid-19 nghĩa là bạn vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh cho mọi người xung quanh. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm "sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào thời điểm bạn nhiễm bệnh".
Covid-19 dễ lây lan nhất trong những khoảng thời gian đầu tiên khi bệnh nhân mới bắt đầu bị nhiễm virus. Khi đã nhiễm bệnh từ 8 – 10 ngày "bạn vẫn có cơ hội lây bệnh cho người khác, nhưng có lẽ không nhiều như trong giai đoạn đầu của quá trình lây nhiễm", TS. Kissler nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh, để an toàn nhất cho những người xung quanh, bạn nên tiếp tục cách ly cho đến khi không còn kết quả dương tính với Covid-19.
Tiến sĩ K.C. Coffey, Khoa Dịch tễ học và Sức khỏe cộng đồng, Đại học Y khoa Maryland (Mỹ) cho biết, nếu bạn có kết quả dương tính sau 10 ngày, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung, như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao (như suy giảm miễn dịch) từ 14 - 20 ngày sau khi nhiễm Covid-19 và đã giảm các triệu chứng của bệnh.
Trong thời gian này, bệnh nhân vẫn nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; tập luyện nhẹ nhàng; giữ tinh thần ổn định, thoải mái; bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt tăng cường rau xanh và trái cây; có thể uống bổ sung một số vitamin theo sự hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ.
"Nếu bạn lo lắng về việc mình có kết quả dương tính kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc các nhân viên chăm sóc sức khoẻ để được hướng dẫn về tình trạng cá nhân của mình", TS. Kissler cho hay.
PN (Nguoiduatin.vn)