Xưa nay người ta nói nhiều về đức hi sinh, sự nhẫn nhịn của người phụ nữ, gần như mặc định đó là những phẩm chất mà phụ nữ tốt cần phải có. Chẳng biết chúng quan trọng đến đâu nhưng thực tế thì trong không ít trường hợp lại mang về sự khổ đau cho người vợ.
Huế (30 tuổi) chia sẻ cô đã kết hôn được 6 năm và có 2 con nhỏ. Mẹ cô là người phụ nữ truyền thống, cả đời bà luôn vì chồng vì con, nhẫn nhịn mọi điều. "Từ nhỏ tôi thường nghe mẹ nói là đàn bà con gái phải thế này thế kia. Tôi lấy chồng ở tuổi 24 - lứa tuổi còn khá non dại, chưa va vấp sự đời nhiều. Về nhà chồng tiếp tục được mẹ chồng rao giảng về sự nhẫn nhịn, hy sinh quan trọng thế nào đối với người phụ nữ, chồng tôi cũng thường nói với vợ rằng phận làm vợ, làm dâu, thân là phụ nữ phải ra sao…", Huế kể.
Dần dần Huế mặc định trong suy nghĩ phụ nữ thì phải chịu thiệt thòi và chu toàn mọi việc trong nhà, chăm sóc con cái đâu ra đấy. Nhưng người vợ cũng không được ăn bám chồng để anh ta khỏi khinh thường, coi rẻ. Phụ nữ kết hôn đã phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm nặng nề, thêm hệ tư tưởng "thà để bản thân chịu thiệt còn hơn" càng khiến cuộc sống hôn nhân của Huế mệt mỏi.
Có hôm dọn dẹp, giặt giũ xong thì đến 12 giờ đêm, Huế nằm vật ra giường nghĩ thầm tại sao cô phải một mình làm tất cả những công việc này? Tại sao cô cũng đóng góp kinh tế cho gia đình nhưng chồng không chia sẻ việc nhà, con cái với vợ? Phụ nữ thì mặc định phải làm những việc đó, phải hy sinh thời gian riêng tư và sở thích cá nhân vì gia đình ư? Xung quanh cô mọi người đều nói như vậy khiến Huế cứ quẩn quanh không tìm ra được câu trả lời chính xác cho bản thân mình.
"Mỗi khi nói về tôi, chồng và mẹ chồng đều hết lời ca ngợi. Họ nhận xét tôi là người vợ tốt, người con dâu ngoan ngoãn, hiếu thảo. Họ bảo tôi biết nhún nhường, mềm mỏng, biết hy sinh vì người khác. Nghe thì toàn những mỹ từ nhưng chẳng hiểu sao tôi không hề thấy vui. Được mọi người yêu quý và đánh giá cao mà tôi chỉ thấy nặng nề và lòng buồn rười rượi. Nhưng mọi thứ cứ như guồng quay đã có quán tính sẵn, trước những lời ca ngợi và danh hiệu được trao, tôi không thể bứt mình ra được mà cứ phải tiếp tục còng lưng làm tròn kỳ vọng của người khác", Huế tâm sự.
Cho đến lần ấy Huế ốm và hai đứa trẻ nhà cô cũng ốm do thay đổi thời tiết. Đầu hâm hấp sốt, hoa mắt chóng mặt nhưng Huế vẫn phải dậy nấu một bàn tiệc thịnh soạn để chồng mời bạn bè đến ăn nhậu tại nhà. Khi nghe Khương - chồng cô thông báo về bữa tiệc, Huế than mệt nhưng anh không quan tâm cho lắm.
"Em cố gắng chút nhé, anh trót mời mọi người rồi, bây giờ lỡ hẹn thì còn ra thể thống gì. Thôi em chấp nhận thiệt thòi, vất vả để giữ mặt mũi cho chồng được không?", Khương thuyết phục vợ. Vậy là Huế lại gắng gượng để giữ sĩ diện cho chồng khỏi mang tiếng thất hứa.
Thực sự là cô rất mệt, nấu được mâm cơm tươm tất xong thì Huế đã muốn lả người đi. Khương thậm chí còn chẳng vào bếp bưng mâm lên giúp vợ. Huế lảo đảo bê được mâm cơm lên phòng khách thì Khương cười tươi chỉ vào Huế giới thiệu với bạn bè: "Vợ tớ là số 1 đấy, luôn hi sinh, nhẫn nhịn vì chồng vì con mà quên cả bản thân".
Bạn bè Khương đều hồ hởi chúc mừng anh may mắn có được người vợ tuyệt vời. Không hiểu sao hai chữ nhẫn nhịn và hy sinh rơi vào tai lại khiến Huế thấy chát đắng và xót xa đến vậy. Bao dồn nén lâu nay trong lòng Huế bỗng chốc phun trào như dung nham núi lửa, cô không thể kìm nén được những cảm xúc của mình mà dường như cô cũng không muốn nữa.
Bạn bè Khương vừa dứt lời thì lập tức choáng váng khi thấy Huế đùng đùng quăng nát mâm cơm trên tay xuống sàn nhà. Những món ăn cô kỳ công chuẩn bị vương vãi, hỗn độn không thể sử dụng được nữa. Khương trợn trừng kinh hãi nhìn hành động chẳng khác gì “tâm thần” của vợ.
Anh hét lên hỏi tại sao Huế lại làm như thế. Cô nhìn thẳng vào chồng chậm rãi nhấn mạnh từng chữ: "Từ bây giờ tôi không muốn nhẫn nhịn cũng không muốn hi sinh nữa. Tôi muốn được vui vẻ, được hạnh phúc, được đối xử tử tế, được yêu thương. Kết hôn mà không thể có được những điều đó thì thôi tôi làm mẹ đơn thân".
Nói xong Huế quay vào thu dọn đồ đạc của 3 mẹ con rời khỏi nhà ngay lập tức. "Tôi nhận ra phụ nữ kết hôn đâu phải để nhẫn nhịn và hi sinh. Những điều đó sẽ rút cạn sức lực của chúng tôi, khiến chúng tôi gầy mòn và héo hon ngay trong chính cuộc hôn nhân của mình. Tôi tự hỏi nếu kết hôn không phải để được yêu thương và vui vẻ thì phụ nữ kết hôn làm gì? Tất nhiên vợ chồng sống với nhau lâu dài cũng phải có sự nhường nhịn, hi sinh vì nhau nhưng điều đó phải đến từ hai phía và cũng cần có mức độ", Huế tâm sự. Cô cho biết hiện tại 3 mẹ con cô vẫn đang sống bên ngoài. Chỉ khi nào Khương thay đổi tư tưởng cũng như cách hành xử thì cô mới chấp nhận quay về.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)