Những ngày này, các tỉnh miền Bắc tiếp tục chìm sâu trong đợt không khí lạnh tăng cường, trời rét đậm, rét hại. Dự báo rét khô (ngày nắng, đêm lạnh) kéo dài nhiều ngày tới ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Nhiều phụ huynh lo lắng khi nhiệt độ môi trường thấp, có thể cho trẻ ra ngoài trời được hay không.
Về vấn đề này, BSCKII. Phạm Thị Thanh Tâm - Phó trưởng khoa Cấp cứu & Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ trên một tuổi có thể an toàn chơi ngoài trời lạnh.
Tuy nhiên, bố mẹ lưu ý nên cho con mang quần áo ấm, mũ, găng tay, giày ấm và chỉ nên ở ngoài trời khoảng 20-30 phút mỗi lần. Nếu nhiệt độ dưới 5 độ C, không nên cho trẻ ra ngoài.
Cần chú ý những dấu hiệu sớm của hạ thân nhiệt ở trẻ như: run rẩy tay chân, mất phương hướng, nói lắp, da trắng hoặc xám tái…
Bác sĩ cũng thông tin về nhóm trẻ có nguy cơ hạ thân nhiệt nhất. Đó là trẻ sinh non, đẻ ngạt; trẻ có bệnh lý nhiễm trùng nặng; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Ngoài ra, trẻ được chăm sóc trong môi trường có nhiệt độ thấp, gió lùa, quần, áo, tã ướt không được thay thường xuyên hay trẻ được tắm lâu, tắm bằng nước lạnh cũng có nguy cơ hạ thân nhiệt.
Để phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ em, bố mẹ cần lưu ý cho con ăn đúng giờ, đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Chúng ta nên đặt giường của trẻ ở nơi ấm, không có gió lùa và trẻ cần được mặc ấm. Tránh làm cho trẻ lạnh sau khi tắm hoặc trong quá trình thăm khám. Phụ huynh cần lau khô trẻ sau khi tắm, sử dụng đèn sưởi cẩn thận, không sử dụng chai nước nóng hoặc đèn huỳnh quang.
“Thay tã, quần áo, giường ướt để giữ trẻ và giường luôn khô ráo. Đối với trẻ sơ sinh, có thể sử dụng phương pháp Kangaroo, hay còn gọi là phương pháp ủ ấm da kề da”, BS Tâm cho biết thêm.
Bác sĩ Phí Xuân Thi - Khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng thông tin, mùa đông, khó khăn của các phụ huynh là không biết con mình mặc đủ ấm hay chưa. Mặc ít cho con, bố mẹ sợ trẻ lạnh, mặc nhiều sợ trẻ vận động ra mồ hôi bị thấm ngược trở lại.
Nguyên tắc giúp mẹ nhận biết điều này đó là "4 ấm, 1 lạnh". Khi mặc quần áo cho con, phụ huynh chú ý đảm bảo 4 điểm trên cơ thể con luôn cần giữ ấm, đó là: bàn tay, bàn chân, ngực và lưng. Phần đầu đảm bảo thoáng mát.
"4 ấm" bao gồm:
1. Bàn tay ấm: Giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không đổ mồ hôi.
2. Lưng ấm: Cũng như bàn tay, lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải vì nếu đổ mồ hơi ở lưng và không được lau kịp thời, mồ hôi sẽ thấm ngược vào trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh. Nếu bố mẹ thấy cổ và lưng của trẻ lạnh, điều đó có nghĩa con cần được mặc thêm quần áo.
3. Bụng ấm: Bụng được giữ ấm sẽ giúp bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của con.
4. Bàn chân ấm: Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể bé bởi vì dưới bàn chân có rất nhiều mạch và huyệt. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.
Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần lưu ý giữ ấm đôi bàn chân của trẻ trong những ngày rét này, đi tất cho bé dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)