Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến nhiều tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung đã khiến lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng hơn bình thường, trong đó lượng bệnh nhân đột quỵ cũng tăng theo do giá rét.
Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên Người lao động, thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ và trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm một tỉ lệ lớn bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Phần lớn là bệnh nhân trên 45 tuổi, ngoài ra cũng ghi nhận một số người trẻ mới chỉ trên dưới 30 tuổi.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), cho biết số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Tại một số cơ sở y tế đã ghi nhận nhân đột quỵ não nhập viện trong tình trạng hôn mê. Người nhà bệnh nhân cho biết sau khi tắm, bệnh nhân xuất hiện choáng váng, bị ngã bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não do tăng huyết áp. Dù được phẫu thuật lấy khối máu tụ trong não nhưng có thể để lại một số di chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Theo PGS Mai Duy Tôn, đột quỵ nguy hiểm không chỉ bởi nó là căn bệnh cấp tính, không thể lường trước mà còn do di chứng để lại là rất nặng nề. Bệnh nhân đột quỵ ở thể nặng có thể tử vong trong giờ đầu, ngày đầu. Qua thời gian nguy hiểm để lại di chứng nặng như liệt nửa người, phải có người hỗ trợ sinh hoạt, tổn hại về sức khỏe và tinh thần...
"Đáng nói là do thiếu hiểu biết, nên nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn"- PGS Tôn lưu ý.
Vì sao dễ bị đột quỵ khi trời lạnh?
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ trên VnExpress, khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.
"Việc ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng giúp làm ấm cơ thể nhưng lại ít vận động khi trời lạnh cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Minh Đức chia sẻ.
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.
- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn
Thời gian 'vàng' để điều trị đột quỵ
Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh. Bạn cần lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu này xuất hiện cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra.
Theo PGS Mai Duy Tôn, thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng, tức là dưới 6 tiếng từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên. Đây được gọi là "thời gian vàng" quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỉ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm.
"Ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để có thể cấp cứu kịp thời, mang lại cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái tưới máu trong khoảng "thời gian vàng". Còn với người dân cần thay đổi lối sống, từ đó kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai"- PGS Tôn lưu ý.
Khi có người bị đột quỵ, chúng ta nên đặt bệnh nhân nằm xuống vị trí cố định, hạn chế di chuyển, tránh để bệnh nhân gặp phải bất cứ chấn thương nào khác lên cơ thể. Tiếp theo là nới quần áo cho bệnh nhân dễ thở, gọi cấp cứu. Người nhà không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ gì cho người bị đột quỵ.
Phòng tránh đột quỵ mùa lạnh
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa đột quỵ ngoài việc kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch; sử dụng thuốc chống đông máu; có chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống; thì cần một số lưu ý riêng về chăm sóc sức khỏe trong mùa lạnh.
- Nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng.
- Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời.
- Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh.
- Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
- Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng.
- Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch, cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức.
- Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng làm cho bản thân người uống rượu không biết được cơ thể bị mất nhiệt.
PN (Nguoiduatin.vn)