Trẻ em đang gặp những vấn đề sức khỏe nào thì không nên tiêm vắc xin sởi?

07/05/2025 22:48:35

Vắc xin giúp trẻ phòng bệnh, nhưng không phải lúc nào tiêm cũng an toàn. Có những vấn đề sức khỏe nếu không được phát hiện trước, khi tiêm vắc xin sởi có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Vắc xin sởi là vắc xin sống giảm độc lực, nghĩa là sử dụng virus đã bị làm yếu nhưng vẫn có khả năng kích thích hệ miễn dịch. Do đó, không phải tất cả mọi người đều có thể tiêm bất cứ khi nào muốn, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Dưới đây là các vấn đề sức khỏe cụ thể khiến trẻ không nên hoặc cần trì hoãn tiêm vắc xin sởi:

1. Trẻ bị sốt cao, mắc bệnh nhiễm trùng cấp tính

Đây là những bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, làm suy yếu miễn dịch tạm thời. Nếu trẻ đang mắc sốt xuất huyết, viêm phổi cấp tính, viêm amidan mủ, hoặc tiêu chảy mất nước, nên hoãn tiêm đến khi trẻ hoàn toàn bình phục. WHO khuyến cáo không tiêm vắc xin sống cho trẻ đang sốt ≥38,5 độ C, nhất là nếu sốt kèm nhiễm trùng cấp.

Trẻ em đang gặp những vấn đề sức khỏe nào thì không nên tiêm vắc xin sởi?
Ảnh minh họa

2. Trẻ đang điều trị ung thư hoặc bị bệnh máu ác tính

Các bé bị ung thư máu, u lympho ác tính, hoặc đang hóa trị, xạ trị... là những đối tượng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, không đủ khả năng kiểm soát virus trong vắc xin sống. Tiêm vắc xin sởi trong hoàn cảnh này có thể gây nhiễm trùng lan tỏa, thậm chí đe dọa tính mạng.

3. Trẻ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh

Trẻ mắc hội chứng DiGeorge, SCID (Severe Combined Immunodeficiency), hoặc hội chứng Wiskott-Aldrich đều bị khiếm khuyết trong hệ miễn dịch từ nhỏ. Theo CDC Hoa Kỳ, nhóm này chống chỉ định hoàn toàn với các vắc xin sống như MMR (sởi-quai bị-rubella).

4. Trẻ từng sốc phản vệ với vắc xin sởi hoặc thành phần của vắc xin

Nếu trẻ từng có phản vệ sau tiêm vắc xin sởi như khó thở, tụt huyết áp, co giật… thì cần hoãn tiêm và đánh giá kỹ. Còn các trẻ dị ứng nặng với gelatin, neomycin - là thành phần của vắc xin sởi thì tuyệt đối không nên tiêm tiếp. Còn với trẻ dị ứng với trứng, từ 2012, WHO và các tổ chức y tế - vắc xin toàn cầu đã khẳng định thành phần protein trứng trong vắc xin sởi rất thấp, không gây phản ứng và hoàn toàn có thể tiêm dù dị ứng trứng nặng.

5. Trẻ bị HIV/AIDS có triệu chứng nặng

Trẻ nhiễm HIV giai đoạn tiến triển (CD4 dưới ngưỡng an toàn theo tuổi, đang có triệu chứng nhiễm trùng cơ hội…) không nên tiêm vắc xin sởi. Tuy nhiên, nếu trẻ nhiễm HIV nhưng chưa có triệu chứng và đang điều trị hiệu quả, một số quốc gia vẫn cân nhắc tiêm sau khi đánh giá kỹ lưỡng.

6. Trẻ vừa truyền máu, truyền globulin miễn dịch

Sau khi truyền các chế phẩm máu (như globulin miễn dịch, hồng cầu lắng, huyết tương tươi), cần trì hoãn tiêm vắc xin sởi từ 3-11 tháng vì các kháng thể ngoại sinh có thể làm mất tác dụng của vắc xin. Trẻ em khi truyền máu cũng thường có sức khỏe yếu hơn, chưa ổn định nên không nên tiêm vắc xin sởi ngay.

Trẻ em đang gặp những vấn đề sức khỏe nào thì không nên tiêm vắc xin sởi? - 1
Ảnh minh họa

7. Trẻ mắc bệnh thần kinh cấp chưa rõ nguyên nhân

Trong giai đoạn cấp của các bệnh như viêm não, co giật chưa rõ nguyên nhân, hoặc hội chứng Guillain-Barré thì việc tiêm vắc xin sống - gồm vắc xin sởi cần được hoãn lại. Khi trẻ đã ổn định và có chẩn đoán rõ ràng, bác sĩ mới quyết định có nên tiêm tiếp hay không.

Tuy nhiên cần nhớ rằng phần lớn các tình trạng nói trên chỉ yêu cầu hoãn tiêm tạm thời, không phải kiêng vĩnh viễn. Mọi quyết định nên do bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc tiêm chủng đưa ra sau khi thăm khám cụ thể. Tự ý tiêm hoặc tự ý hoãn đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng phòng bệnh của trẻ.

Theo Ngọc Ái (Nguoiduatin.vn)