5 sai lầm phổ biến của phụ huynh khiến trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng vẫn dễ mắc bệnh

29/04/2025 22:58:34

Rất nhiều phụ huynh đang mắc phải những sai lầm dưới đây, làm tăng nguy cơ mắc sởi ngay cả khi trẻ đã tiêm vắc xin sởi.

Dù vắc xin sởi được xem là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, vẫn có những trường hợp trẻ đã tiêm mà vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân không hẳn do vắc xin “không hiệu quả” mà có thể đến từ những sai lầm phổ biến mà phụ huynh vô tình mắc phải như:

1. Chỉ tiêm một mũi vắc xin sởi

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tiêm một mũi vắc xin sởi chỉ giúp bảo vệ khoảng 80 - 85% khỏi nguy cơ mắc bệnh. Nếu tiêm đủ hai mũi, hiệu quả tăng lên đến 97%. Việc chỉ tiêm một mũi khiến cơ thể không đủ kháng thể cần thiết để chống lại virus nếu tiếp xúc với nguồn lây.

2. Tiêm vắc xin khi trẻ đang sốt cao, nhiễm trùng cấp tính hoặc có vấn đề miễn dịch

5 sai lầm phổ biến của phụ huynh khiến trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng vẫn dễ mắc bệnh
Ảnh minh họa

Nếu trẻ đang sốt từ 38,5 độ C trở lên, bị viêm phế quản nặng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng rõ rệt, việc tiêm vắc xin sởi nên được hoãn lại. Trong những trường hợp này, cơ thể trẻ đang phải chống chọi với bệnh lý khác nên khó tạo được đáp ứng miễn dịch tối ưu sau tiêm. WHO và CDC đều khuyến cáo cần đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe tổng thể trước khi tiêm.

Ngoài ra, với những trẻ mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như ung thư máu, HIV/AIDS tiến triển hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch, vắc xin có thể không tạo được miễn dịch hiệu quả. CDC nhấn mạnh, với nhóm trẻ này cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá kỹ và đưa ra lịch tiêm phù hợp để tránh nguy cơ mắc sởi dù đã tiêm.

3. Tiêm quá sớm hoặc trì hoãn mũi 2 quá lâu

Tiêm vắc xin sởi trước 6 tháng tuổi (khi chưa đủ phát triển hệ miễn dịch hoặc còn kháng thể từ mẹ) có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Nếu vì dịch bệnh mà tiêm sớm, trẻ vẫn cần tiêm lại đủ 2 liều đúng lịch để bảo đảm miễn dịch lâu dài.

Hay khi trẻ đã tiêm mũi 1 nhưng vì lý do gì đó mà mũi 2 bị trì hoãn quá lâu, khoảng miễn dịch có thể suy giảm theo thời gian. Và đương nhiên, trong thời gian chưa tiêm đủ 2 mũi, khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn. Do đó, nếu trễ lịch tiêm, trẻ cần được tiêm bù mũi 2 càng sớm càng tốt, không cần tiêm lại từ đầu.

4. Không kiểm tra tiền sử miễn dịch của trẻ trước khi tiêm

Một số trẻ có thể đã từng nhiễm sởi tự nhiên mà không được phát hiện, hoặc ngược lại - chưa từng tiếp xúc hay tiêm phòng. Nếu tiêm khi trẻ đang có kháng thể thụ động (ví dụ trẻ sơ sinh còn kháng thể từ mẹ truyền sang), vắc xin có thể không phát huy hiệu quả. WHO khuyến cáo, trong một số trường hợp đặc biệt, cần làm xét nghiệm huyết thanh học để đánh giá miễn dịch nếu có nghi ngờ.

5. Không theo dõi phản ứng sau tiêm và chăm sóc sai cách

Sau khi tiêm vắc xin sởi, trẻ có thể xuất hiện các phản ứng nhẹ như sốt, mệt mỏi hoặc phát ban giả sởi. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chủ quan, tự ý dùng thuốc hạ sốt không đúng loại hoặc liều lượng, hoặc không theo dõi kỹ các dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài, khó thở, phát ban lan rộng… thì có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch và sức khỏe tổng thể của trẻ.

5 sai lầm phổ biến của phụ huynh khiến trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng vẫn dễ mắc bệnh - 1
Ảnh minh họa

Hay nhiều người không biết rằng vắc xin sởi cần khoảng 2- 3 tuần để cơ thể trẻ tạo ra đủ kháng thể bảo vệ. Trong thời gian này, nếu trẻ tiếp xúc gần với người đang mắc sởi hoặc đến nơi có nguy cơ cao, vẫn có khả năng bị lây nhiễm vì miễn dịch chưa đạt mức tối ưu. Do đó, sau tiêm, cần hạn chế cho trẻ đến nơi đông người và theo dõi sát sao sức khỏe trong ít nhất 14 ngày.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như quá trình bảo quản vắc xin… cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả kháng bệnh. Và cần nhớ rằng hiệu quả phòng sởi tối đa sau 2 liều vắc xin sởi là 97%, nên vẫn có trưởng hợp rất ít người vẫn mắc sởi sau khi tiêm đủ.

Theo Ngọc Ái (Nguoiduatin.vn)