Trà hoa đậu biếc được nhiều chị em tìm đến bởi công dụng chống lão hóa
Sau rất nhiều trào lưu uống nước này nước kia làm đẹp da, thời gian gần đây, hội chị em "phát cuồng" với thứ nước uống có sắc màu xanh bắt mắt, thời thượng. Đặc biệt, thức uống này còn được truyền tai nhau là có khả năng chống lão hóa, đánh bay vết nhăn vô cùng thần thánh - hội chị em rỉ tai nhau thế. Thế là hoa đậu biếc du nhập vào Việt Nam được hi vọng như một sản phẩm cải lão hoàn đồng.
BS Nguyễn Tấn Thủ (phòng khám Nhà mình, TP.HCM) cho biết, không biết từ khi nào trà hoa đậu biếc được sử dụng như một loại đồ uống yêu thích với công năng "ngăn ngừa vết nhăn và các dấu hiệu lão hóa da của tuổi tác". . Nhưng cũng như mọi trào lưu khác khi vào Việt Nam, trà hoa đậu biếc được chắp thêm công năng thần thánh khác phục vụ cho gia tăng doanh số khi đánh vào điểm yếu của chị em.
Cụ thể, hoa đậu biếc "được coi là thần dược rất tốt để ngăn ngừa vết nhăn và các dấu hiệu lão hóa da của tuổi tác". Là phụ nữ, không ai lại không thích mình luôn trẻ đẹp, sở hữu một làn da căng mịn không tì vết, giờ đây lại có một món đồ uống bắt mắt dễ uống như uống nước lọc giúp trẻ đẹp hơn ra mỗi ngày thì còn gì tuyệt vời hơn?
Không thấy bất cứ nghiên cứu hay kết luận uy tín nào về công dụng chống lão hóa của trà hoa đậu biếc
BS Thủ nhận định, thứ đồ uống làm từ bông hoa đang được nhiều chị em "thần thánh hóa" này thực ra không tuyệt vời như vậy. Cũng như mọi trào lưu khác khi vào Việt Nam, trà hoa đậu biếc đã được quảng cáo thổi phồng công dụng lên chỉ nhằm phục vụ cho gia tăng doanh số kinh doanh của người bán hàng mà thôi. Trong khi đó, ở quê nhà của nó (chính là Đài Loan), giới chuyên gia cảnh báo không được sử dụng hoa đậu biếc như một loại thực phẩm, chỉ nên sử dụng như một chất nhuộm màu thực phẩm.
BS Nguyễn Tấn Thủ khẳng định, hoa đậu biếc (Blue Butterfly Pea) có tên khoa học là Clitoria ternatea. Khi vị chuyên gia này tìm tòi tất cả thư viện y khoa uy tín trên thế giới thì không tìm ra bất cứ nghiên cứu hay kết luận uy tín nào về công năng sử dụng hoa đậu biếc như được mô tả.
Tuy nhiên, chuyên gia lại phát hiện những cảnh báo nguy hiểm sau:
1. Cảnh báo y tế ở Đài Loan cấm sử dụng hoa đậu biếc như một loại thực phẩm (Đồ ăn/uống) và các cửa hàng vi phạm sẽ bị trừng phạt vi phạm về an toàn thực phẩm bởi lo ngại loạt tác dụng phụ từ hoa đậu biếc.
2. Đã có những nghiên cứu đánh giá độc tính trên cây đậu biếc (rễ, lá) đã được thực hiện tại Ấn, Indonesia. Trong một nghiên cứu, các con vật được uống một liều duy nhất 2500, 5000, 10000 và 15000mg/kg thể trọng. Dấu hiệu nhiễm độc và tử vong được ghi nhận sau 1, 4 và 24 giờ sử dụng. Các nghiên cứu mô bệnh học cho thấy độc tính trên gan và độc tính trên thận như tác dụng độc cấp tính của rễ đậu biếc trích xuất.
3. Hầu hết nghiên cứu dược tính đều ở dạng tiềm năng, chưa có bất kỳ ứng dụng dược phẩm trên người.
4. Các triệu chứng ngộ độc đậu biếc cũng được ghi nhận tại Việt Nam và Đài Loan khi sử dụng nó như loại thực phẩm.
Thế nên, quay trở lại câu chuyện có nên dùng trà đậu biếc như một thức uống để làm đẹp da, chống lão hóa hay không là điều chị em cần suy nghĩ kỹ. Không phải cứ lao đầu vào uống điên cuồng, uống càng nhiều càng tốt là da cứ căng mịn, vết nhăn bị đánh bay.
Chuyên gia khuyên mỗi lần dùng hoa đậu biếc để nấu ăn hoặc pha đồ uống thì chỉ nên dùng 5-10 bông, với đậu biếc khô không được dùng quá 5g mỗi lần. Không dùng liên tục. Sau 2 tuần dùng cần dừng lại một thời gian thì mới được dùng tiếp. Đặc biệt phải kiểm tra các chỉ số và xét nghiệm trước - sau khi sử dụng để theo dõi kẻo suy gan, suy thận nghiêm trọng. Ngưng sử dụng ngay nếu có bất kỳ triệu chứng mẫn cảm, tác dụng phụ nào với nó. Phụ nữ mang thai, dễ dị ứng, sức khỏe kém... tốt nhất nên tránh xa.
Theo TH (Nhịp Sống Việt)